30/10/24

Đi tiễu phỉ

 Nguyễn Dần - nguyên trưởng đài Đội 101

Là một thanh niên Hà Nội, tôi rất thích vô tuyến điện, đã được đọc quyển "Vô tuyến điện, nhưng rất đơn giản" (La Radio, mais c'est très simple). Năm 1948, sau khi học xong lớp báo vụ ở Thượng Đình (Thái Nguyên) tôi được về công tác ở đài Trung ương thu tin (kiêm cả Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam). Ở đây tôi được bác Nguyễn Cung, giám đốc đài dạy lý thuyết và bác Kỳ cơ công hướng dẫn thực hành, nhờ đó tôi đã hiểu được nguyên lý máy thu phát vô tuyến điện và lắp được những máy đơn giản dùng trong thời ấy.

Tháng 4 năm 1952, khi đang làm một đài trưởng của 101 lúc đó đóng ở Chợ Chu thì tôi được gọi lên gặp Đại đội trưởng Diệp nhận nhiệm vụ đi phối thuộc phục vụ Ban Chỉ huy chiến dịch tiễu phỉ ở Hà Giang. Đây là lần đầu công tác độc lập, rất xa đơn vị, tôi phải lo mọi thứ, nhưng lo nhất là máy móc không đảm bảo. Khi gặp đồng chí Hân (cơ công) nhận máy, tôi yên tâm vì đây là máy thu Sinen, máy phát một đèn dùng thạch anh. Tôi xin một tuốc vít, một mỏ hàn, thiếc, nhựa thông; đó là tất cả dụng cụ có được, rồi cùng với đồng chí Thi (đen) báo vụ, hai đồng chí quay viên, hai cơ yếu, chúng tôi đi qua ATK ra Tuyên Quang (nơi tôi rất thuộc địa hình), rồi ngược lên Hà Giang, Quản Bạ. Qua mấy trăm cây số, vượt mấy cổng trời đến Phố Bảng - Sở chỉ huy chiến dịch ở đây, đài được bố trí ở cửa hang đá, an toàn, liên lạc tốt. Anh em phấn khởi công tác đang chạy thì một hôm Ragonô có tiếng kêu bất thường, liên lạc chưa xong thì không quay được nữa, bánh răng bị vỡ, hỏng hóc ngoài dự kiến và vô phương cứu chữa. Cơ quan đang nhộn nhịp bỗng lặng hẳn đi. Anh em Thông tin và Cơ yếu thất nghiệp. Vô tuyến điện đứt liên lạc với Bộ Tổng tư lệnh, mặt trận mất sự chỉ đạo của trên.

Sự việc xảy ra đột ngột, không kịp báo cáo với đại đội để xin chi viện. Vả lại "nước xa không cứu được lửa gần". Tôi nghĩ là thử vận may ở bạn (Giải phóng quân Trung Quốc). Tôi đề đạt ý kiến đó lên đồng chí Tư lệnh. Chiều hôm sau, liên lạc đưa về một cái gì đó, bám đầy bụi đất, gỉ sắt tùm lum, tôi chưa thấy bao giờ. Đó là cái Ragonô (kiểu của máy 282 sau này), gay nhất là chỉ còn một tay quay, không có coóc-đông và không còn một dấu vết chỉ dẫn nào cả.

Tôi vừa lau chùi vừa nghĩ cách. Cần một cái Sonnơ, tôi tháo vôn kế (VK), cắt coóc-đông của cái Ragonô Simco cũ. Dò mạch cẩn thận, nối vào cái Ragonô (TQ) và quay thử thật chậm, thấy vôn kế lên nhanh, đây là đầu cao áp. Chuyển vốn kế sang lỗ bên, quay tốc độ làm việc, vôn kế chỉ 6V. Mừng quá, Ragonô phát điện bình thường. Công việc còn lại đơn giản, nối dây xong, cố định, đánh dấu rõ ràng. Rồi Ragonô quay-maníp gõ-đèn nêon đỏ rực, máy phát làm việc sẵn sàng chờ giờ liên lạc, máy thu bật sớm vài phút, nhưng đã thấy ở nhà đang gọi tha thiết (đứt liên lạc hơn một ngày rồi). Sau tín hiệu K, tôi lập tức trả lời và QSA?

QSA3 - tất cả mừng rỡ. Các điện đọng được giải quyết nhanh chóng. Sở chỉ huy lại rộn ràng, anh em vui không thể tả được. Và chính nhờ cái Ragonô "què" ấy và sáng kiến của các đồng chí quay viên, buộc dây vào tay quay, hai người quay theo kiểu "đẩy kéo" mà chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ đến hết chiến dịch.

Việc nhỏ ấy ngày nay có ý nghĩa gì, nhưng thời đó có thể coi là một chiến công đấy và tôi đã được Cục Thông tin liên lạc khen thưởng.

Trên đường về, hàng trăm cây số trước mặt, tuy đã cuối thu nhưng nắng vẫn còn rám trái bưởi mà dòng sông Lô chảy sát bên cạnh như mời chào. Anh em đề nghị đóng bè xuôi sông, tôi do dự mãi mới giải quyết như sau: một người và máy đi nhờ bè nứa của dân (họ chỉ có thể giúp đỡ như vậy), còn thì lên bè tự tạo. Sông Lô hung dữ với bao ghềnh thác, bè trôi vùn vụt như tên, may mà đêm ấy tất cả an toàn cập bến Tuyên Quang, nghĩ lại tôi sởn cả tóc gáy.

Đi chiến dịch có nhiều kỷ niệm như vậy kể cũng thú vị đấy chứ!

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét