Lê Trung Thành
Tôi cùng các đồng chí Trần
Tôn, Phạm Dưỡng Hiền, Cao Kim Sơn, Lê Duy Bình và Nguyễn Văn Long từ Mặt trận
Hà Nội lên Bắc Giang làm công tác tuyên truyền kháng chiến lưu động tỉnh do tôi
làm đội trưởng.
Khoảng trung tuần tháng 4
năm 1947 đồng chí Trần Sơn đến liên hệ với đồng chí Vũ Quang xin chuyển chúng tôi
về Ban liên lạc đặc biệt.
Chúng tôi bàn với nhau để
tôi đi nhận công tác trước, nếu có hoàn cảnh thích hợp thì các bạn đó sẽ chuyển
đến sau.
Là một thanh niên trưởng
thành ở thành phố, ham hiểu biết, thích bay nhảy, trên đường đi nhận công tác từ
Dương Sơn - Cao Ngạn đến Đại Từ, mỗi bước đi thêm thích thú, được ngắm nhìn cảnh
sông nước với đập Tắc Cun, cảnh thị xã Thái Nguyên tấp nập, người tản cư với đồng
bào dân tộc thiểu số, cảnh chen chúc trong chuyến goòng đêm, đã đưa tôi từ Thái
Nguyên đến Bờ Đậu để rồi tự hỏi thăm đường, cuốc bộ đến Đại Từ. Đường lạ, đêm tối
cứ đi. Dọc đường lũ lượt kẻ đi ngược lại, bộ đội, cán bộ, nhân dân ơi ới gọi
nhau, chân bước mải miết cho nhanh tới đích. Hai bên đường thỉnh thoảng lại có
cửa hàng lập lòe ánh đèn dầu.
Theo chỉ dẫn trong giấy giới
thiệu tôi tìm đến trạm liên lạc ở đầu cầu sông Huy Ngạc, ở đây, tôi gặp anh Cao
Đắc Hiếu, người dong dỏng cao, nhanh nhẹn và vui tính. Mới gặp nhau lần đầu qua
vài câu chuyện thăm hỏi mà tình thân giữa chúng tôi đã nảy nở chan hòa, gần
gũi. Anh sắp xếp và chỉ dẫn cho tôi chỗ nằm, ngồi, nghỉ ngơi, quan hệ với chủ
nhà và rủ tôi đi chơi phố Đại Từ và cùng ăn cơm ở đấy. Cơm trưa xong về, thường
chúng tôi lại rủ nhau ra sông Công tắm, đằm mình trong dòng nước chảy ào ào mát
rượi.
Một hôm anh Hiếu từ Ban về bảo
tôi: Ban gọi anh vào gặp để giao công tác. Hồi hộp chờ đợi qua đêm, sáng hôm sau
tôi theo anh đến gặp anh Hạc và anh Sơn. Các anh bảo tôi làm Đạo trưởng cùng với
6 liên lạc viên đi tìm đặt đường liên lạc từ Đại Từ qua Quân Chu lên Tam Đảo và
xuống Me, tiếp nối vào đường dây đi Khu 3, Khu 4 mà trước đó phải vòng qua đèo
Khế, Sơn Dương.
Nhận nhiệm vụ tôi vừa mừng vừa
lo. Mừng vì đã được nhận nhiệm vụ, lo vì công việc hoàn toàn mới mẻ, nhưng khi
họp bàn với anh em liên lạc viên thực hiện kế hoạch thì mọi người đều quyết
tâm, phấn khởi lên đường nên tôi yên tâm, tin tưởng.
Đường Đại Từ đi Quân Chu là
con đường do thực dân Pháp mở sau ngày khởi nghĩa Võ Nhai, chạy dọc theo chân núi
Tam Đảo, đèo Nhe đi Vĩnh Yên dùng để hành quân vây ráp cách mạng, mặt đường rộng,
cho ô tô đi lại, nay thực hiện tiêu thổ kháng chiến, nhân dân ta đã đào hố chữ chi
phá hoại từng đoạn. Từ Đại Từ đi khoảng trên 10 km hai bên đường là đồng ruộng,
tiếp đó liên tục là đường rừng, chủ yếu là rừng nứa. Có nhiều khúc nứa và gỗ đổ
ngang kín mặt đường phải vừa đi vừa dọn, đôi chỗ còn bị suối cắt ngang chảy xiết.
Chúng tôi đến Quân Chu thì
trời sắp tối. Quân Chu là bản người Cao Lan. Gặp chúng tôi bà con thực hiện “ba
không” hỏi gì cũng không nói mà dẫn đến gặp Trưởng bản, thế mà khi được Trưởng
bản giới thiệu là cán bộ kháng chiến thì mọi người trong nhà đều đón tiếp chúng
tôi vui vẻ, thân mật, sai người nhà đi mổ gà nấu cơm cho chúng tôi ăn. Đêm đó
chúng tôi hỏi đường đi Tam Đảo. Sáng hôm sau chúng tôi tiếp tục hành quân, nhờ
con chủ nhà dẫn đường đến chân núi. Đi bộ hơn 1 giờ thì bắt đầu leo núi. Đường
dốc đứng, có đoạn phải bước từng bước, có chỗ phải vịn cây để leo, mọi người thở
nhanh, tim đập mạnh, áo ướt đẫm mồ hôi.
Lần đầu tiên tôi được đi vào
rừng, núi cao, rợp bóng cây to, âm u, không nhìn thấy mặt trời, tai nghe vượn
kêu, chim hót mà lòng phơi phới, quên cả mệt nhọc. Càng lên cao khí hậu càng
mát. Khi đến đỉnh núi thấy người tỉnh táo, hết mệt, mồ hôi cũng ráo, tim đập
không còn hồi hộp nữa.
Chúng tôi dừng chân nghỉ ở
chỗ yên ngựa chỉ có cỏ mà không có cây to, đứng ở đây có thể nhìn thấy đồng ruộng
mênh mông bên phía Vĩnh Yên. Đi thêm một đoạn thì bắt đầu xuống dốc và nhìn thấy
lô nhô mái nhà dưới Tam Đảo.
Tam Đảo lúc này tuy bị phá
hoại, nhưng nhiều nhà vẫn còn nguyên, dân vẫn sống bình thường, chủ yếu là người
làm thuê ở lại giữ nhà cho chủ.
Trạm liên lạc đặc biệt do
anh Nguyễn Hải Hào làm nhà có mấy mẹ con người giúp việc trong đó có anh Nhật trạm
trưởng đóng ở nhà tuần phủ Hồ Đắc Điểm. Trong nhà có mấy mẹ con người giúp việc
trong đó có anh Nhật sau này làm liên lạc viên của trạm.
Từ Tam Đảo đi Me mất 1 ngày
đường, chúng tôi đến trạm Me thì trời sắp tối. Ngay tối đó chúng tôi bàn với
anh em ở trạm Me thống nhất kế hoạch giao nhận công văn để hôm sau quay lại Tam
Đảo, kịp về Ban báo cáo kết quả...
Đường liên lạc Đại Từ - Tam
Đảo - Me vận hành được một thời gian, đến khoảng cuối tháng 8 tôi nhận được nhiệm
vụ đi tổ chức đường liên lạc Đại Từ - Bắc Cạn. Đường này có thuận lợi là dựa
theo trục quốc lộ số 3, hoàn toàn dùng được bằng xe đạp tuy phải vượt một số dốc
cao.
Trước chiến dịch Thu Đông
1947 tôi lại được lệnh tổ chức đường liên lạc từ Đại Từ lên Phố Đu đến Võ Nhai
- Na Lương - Tràng Xá; đường này chủ yếu là xuyên rừng, chặng Na Lương - Tràng
Xá phải qua núi đá nhưng không cao.
Trước ngày địch nhảy dù Võ
Nhai, một buổi tối chúng tôi vừa ăn cơm xong, đang chuẩn bị cho chuyến công tác
hôm sau thì có một đoàn cán bộ đến yêu cầu bố trí chỗ nghỉ qua đêm. Chúng tôi
thu xếp cho đoàn ngủ xong thì đi nghỉ. Sáng hôm sau đoàn lên đường rất sớm
trong lúc chúng tôi vẫn còn đang ngủ. Mãi sau này chúng tôi mới biết đó là đoàn
Chính phủ di chuyển cơ quan, trong đó có Hồ Chủ tịch.
Hai hôm sau, địch nhảy dù xuống
Võ Nhai. Khoảng 8-9 giờ chúng tôi vừa cơm xong đang chuẩn bị đi công tác thì
nghe tiếng máy bay, rồi tiếng bom nổ. Ra sân nhìn thì đã thấy phấp phới dù đang
là là rơi xuống! Vội vàng thu xếp ba lô tài liệu, chúng tôi chạy vào rừng, đi về
trạm Na Lương. Khi tới Na Lương thì ở đây giặc đã tràn qua đốt phá vừa rút đi rồi.
Tối hôm đó đồng chí Lê Trọng Nghĩa Chánh văn phòng Bộ đi công tác qua cũng vào
trạm nghỉ đêm. Nhà trạm cũng bị đốt nên chúng tôi ngủ ngoài trời, bên cạnh đống
lửa. Sau khi tìm nhà đặt trạm, thu xếp ổn định chỗ ăn ở, tôi về Ban báo cáo.
Trên đường đi lần này tôi chứng
kiến cảnh làng xóm bị giặc đốt cháy trơ trụi, chỗ này chỗ kia lửa vẫn âm ỷ cháy.
Vài người dân sơ tán trở về, thấy nhà mình chỉ còn là đống tro tàn, sụt sùi
khóc lóc bới nhặt những thứ còn lại... Thật xót xa!
Về đến Ban ở xã Chiến Đấu
tôi báo cáo tình hình với anh Sơn trong khi anh đang ngóng chờ chúng tôi và tôi
được biết thêm Ban mới có trung đội Z là trung đội giao thông phát hành. Anh Hạc
đã chuyển đi nơi khác nhưng đã có một số cán bộ khác được bổ sung về: đó là các
anh Lê Hồng Việt, Trần Tuấn Anh, Bùi Gia Lộc. Tôi được phân công phụ trách
trung đội Z. Đúng sáng 30 Tết năm Mậu Tý (1948), tôi trực tiếp tổ chức chuyển gấp
tài liệu “Phát động du kích chiến tranh” của Bộ Tổng chỉ huy xuống các
Quân khu.
Trở về Na Lương công tác hơn
một tuần thì tôi lại được gọi về Ban và lần này đã diễn ra những việc có tính
quyết định - một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời công tác của tôi.
Tôi được phân công sinh hoạt
ở bộ phận anh Lê Hồng Việt. Anh Việt thăm hỏi tình hình gia đình và công tác của
tôi, đưa cho tôi đọc Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương, đến ngày 6 tháng 1 năm
1948 tôi được kết nạp vào Đảng. Buổi lễ đó do anh Lê Hồng Việt - Bí thư Chi bộ
Lam Sơn chủ trì; cùng dự có các anh Lê Hồng Sơn, Bùi Gia Lộc. Đây là bước ngoặt
trong cuộc đời mà mãi sau này trải qua công tác tôi mới hiểu được đầy đủ ý
nghĩa thiêng liêng của nó.
Sau đó ít lâu, tôi được anh
Sơn cho phụ trách hơn 20 liên lạc viên mang theo hành lý gánh gồng như một cơ quan
đang trên đường di chuyển lên Bắc Sơn để đánh lạc hướng địch. Chuyến công tác
này đã cho tôi hiểu biết thêm về đồng bào Nùng ở Bắc Sơn. Tôi được ăn nước mắm
nấm hương thơm ngon đặc biệt, được ngắm từng đoàn các “nhình” mặc đồng phục áo
dài, quần dài hai ống, cuốn khăn piêu toàn nhuộm chàm, vai gánh hai sọt đi chợ,
cười nói vui vẻ trong không khí chiến thắng, nhịp nhàng trên đường cái chạy dài
bên chân núi đá.
Chúng tôi hành quân đến gần
Bắc Sơn thì nhận được lệnh quay trở về. Sau đợt công tác này, tôi nhận chức vụ đội
phó đội giao thông phát hành, cùng anh Việt, anh Sơn và cùng toàn đội chuyển
sang Chính trị Cục nay là Tổng cục Chính trị - chuyên làm nhiệm vụ chuyển tài
liệu chính trị và báo Vệ quốc quân cho quân đội. Sau một thời gian, anh
Việt được điều động đi nhận công tác bên Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Tôi
thay anh Việt là đội trưởng cùng anh Lê Thanh Sơn làm đội phó và anh Cao Kim
Sơn làm chính trị viên đội.
Đến năm 1949 chuẩn bị Tổng
phản công, Cục Chính trị chuyển thành Tổng cục Chính trị, hai tờ báo Vệ quốc
quân và Quân du kích sáp nhập, đổi tên là báo Quân đội nhân dân,
do đó hai đội giao thông phát hành của hai tờ báo cùng sáp nhập làm một, anh Lê
Cư làm đội trưởng. Tôi được cử đi học lớp chính trị Lê Hồng Phong rồi được bổ sung
ra đơn vị chiến đấu làm chính trị viên đại đội của Trung đoàn 209 Đại đoàn 312.
Từ đó tôi không có dịp trở lại làm công tác giao thông liên lạc nữa. Trải qua
các chiến dịch Lý Thường Kiệt, Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên kết thúc thắng lợi
cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược. Tôi lại trở về Tổng cục Chính trị làm hiệp
lý viên Cục Tuyên huấn. Đến năm 1958 được chuyển ngành sang Bộ Nông nghiệp làm
công tác đào tạo cán bộ và công nhân nông nghiệp cho đến khi nghỉ hưu (1984).
Đối với mỗi con người, kỷ niệm
mối tình đầu là sâu sắc. Đối với tôi, mối tình quân ngũ đầu tiên anh Bộ đội Cụ
Hồ - ở Ban liên lạc đặc biệt đã ghi lại sâu sắc trong tâm khảm những kỷ niệm suốt
đời là nguồn động viên trong mọi vui, buồn, thành công và vấp váp.
Ngày nay được sống những
ngày "Cổ lai hy" trở về cội nguồn Liên lạc đặc biệt, sinh hoạt trong
tổ chức, bạn chiến đấu cũ, mỗi lần họp mặt gặp nhau, ký ức lại bừng lên chân trời
mới năm xưa, với bao tình cảm yêu thương da diết.
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét