29/10/24

Hai anh em dây bọc - dây trần 303 và 132 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đại tá Trần Thanh Dung - nguyên chính trị viên Đại đội dây trần 105

Mùa hè 1953, vào giai đoạn chuẩn bị cho cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ đội Thông tin liên lạc có một bước phát triển mới là xây dựng khai thác hệ thống điện thoại dây trần đường dài quân sự.

Đúng ngày Quốc tế Lao động 1-5, tại làng Đầm, huyện Định Hóa - Thái Nguyên, anh Hoàng Xuân Vượng – Phó phòng Tham mưu Cục Thông tin liên lạc đọc quyết định thành lập Đại đội dây trần đầu tiên của Quân đội ta, mang phiên hiệu là Đại đội 105, do anh Nguyễn Vĩnh Lộc làm Đại đội trưởng, anh Vũ Khuê - Đại đội phó và tôi Trần Thanh Dung - Chính trị viên.

Khi nói chuyện với đơn vị, anh Vượng chỉ rõ: Cuộc kháng chiến của ta ngày càng phát triển rộng lớn... Để đáp ứng yêu cầu sự chỉ đạo chỉ huy của Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh trong tình hình mới phải vươn tới các chiến trường xa hơn. Ngoài điện thoại dây bọc, vô tuyến điện và chuyển đạt cần phải xây dựng các đường điện thoại dây trần dài để khai thác và sử dụng ngay cho thật hiệu quả. Tuy lúc đầu về quy mô, kỹ thuật và không gian hoạt động của dây trần còn hạn chế nhưng tiền đồ của nó sẽ ngày hiện đại và quy mô nó sẽ đi suốt chiều dài đất nước.

Sau khi thành lập Đại đội 105, một lớp huấn luyện ngắn hạn được mở ngay. Người thầy duy nhất lúc đó là anh Nguyễn Lộ, công nhân Bưu điện thời Pháp đi theo kháng chiến, đã truyền đạt, bồi dưỡng cả lý thuyết và thực hành về phương pháp tổ chức các bước xây dựng một đường trục điện thoại dây trần đường dài cho đơn vị trong hơn một tháng trời.

Đó thực ra cũng chỉ mới là một bài học vỡ lòng của đại đội tôi thôi. Vì chỉ mới nghe giảng lý thuyết, xem làm động tác mẫu chứ chưa có thời gian để thực hành, chưa trực tiếp xây dựng một công trình đường dây nào cả.

Điều khó hiểu khi nhận được lệnh Đại đội 105 mới thành lập sẽ bổ sung vào đội hình Tiểu đoàn 303, một đơn vị chuyên về dây bọc dã chiến cơ động đi các chiến dịch... Chúng tôi không hiểu ý định của trên ra sao?

Trước mắt, tiểu đoàn tổ chức chỉnh quân chính trị toàn đơn vị. Học tập về chính sách cải cách ruộng đất của Đảng và Nhà nước. Ý thức giác ngộ giai cấp được khơi dậy. Mọi người tin tưởng, phấn khởi, nhất trí hoàn toàn với chủ trương phát động quần chúng đứng lên chống đế quốc và phong kiến, thực hiện người cày có ruộng.

Vừa chỉnh quân xong thì số cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 105 được phân phối về cho 3 đại đội anh em là 99, 103 và 110 làm nòng cốt về kỹ thuật điện thoại dây trần để bước vào chỉnh huấn quân sự. Thì ra Tiểu đoàn 303 vừa được giao một nhiệm vụ "mới toanh" là xây dựng mạng lưới điện thoại dây trần ở ngay khu căn cứ địa Việt Bắc. Đây là mạng liên lạc nội bộ Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh với các cơ quan thuộc Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp và nối thông với cơ quan Trung ương Đảng - Chính phủ - Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước như đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng ...

Đường dây trần này thay thế mạng điện thoại dây bọc phục vụ trước đó nay thu hồi lại đưa lên phía trước phục vụ các chiến dịch.

Đại đội 110 được giao nhiệm vụ chặt gỗ làm cột ở rừng La Hiên. Đại đội 99 xây dựng một tuyến dọc từ ngã ba Phú Minh lên Chợ Chu và các tuyến ngang từ các ngã ba Quán Vuông, Quán Xôi Vò, Quán Ông Già, Quảng Nạp, Yên Thông bí mật rẽ vào rừng đến các cơ quan. Đường dây này dùng các đôi dây đồng liên lạc công vụ, một đôi dây sắt bảo vệ.

Đại đội 103 làm đường dây từ Bản Mù gần Tổng hành dinh Bộ, vượt đèo núi Hồng Lĩnh sang Tuyên Quang liên lạc với các cơ quan Đảng và Chính phủ bằng đôi dây đồng, sứ cong bắt luôn vào thân cây rừng.

Không khí thi đua trên công trường của tiểu đoàn ở các vị trí đều rất sôi nổi. Đội soi tuyến đo đạc thiết kế do anh Thi "xiếc" chỉ huy, dùng địa bàn chiếu hướng, dùng tiếng hú gọi nhau làm hợp điểm. Phía sau anh em vừa phát tuyến, chặt gỗ làm cột, chuyển vật tư vào tuyến. Rồi đào lỗ chôn cột, gánh đá lèn cột, mắc dây. Có năng suất cao nhất là tổ hai đồng chí Bồng và Xưa.

Nhìn hàng cột dựng xong, anh em bảo nhau: "Chúng ta chém cây sống, trồng cây chết". Cũng có đoạn đã lợi dụng cả cây sống và cây chết đứng chung một hàng.

Chiến sĩ Ngoạn đạt chiến sĩ giỏi về kỹ thuật "ra dây" không xoắn vỏ đỗ, không gẫy đứt dây, không để dây mất mát. Tổng kết công trình Ngoạn được thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng Ba.

Hai kiện tướng "Bình vịt" và "Toại béo" bảo đảm kỹ thuật hàn kiểu "con ong", hàn đẹp, không rỗ, không rỗng, đạt tiêu chuẩn điện trở cho phép. Toàn tuyến bắt sứ cong. Cứ cách 400 m lại đảo dây trên sứ để chống xuyên nhiễu, có dây thu lôi chống sét và có dây níu ở các cột góc.

Mạng dây trần trong An toàn khu (ATK) Việt Bắc là công trình dây trần đầu tiên của Bộ đội Thông tin do Tiểu đoàn 303 thiết kế và thi công. Qua đó rèn được nhiều cán bộ, chiến sĩ có tay nghề giỏi, biết tổ chức và điều hành những công trường lớn, rải ra trên phạm vi dài rộng với nhiều vật tư đắt tiền, nặng nề, cồng kềnh.

Như vậy là người cán bộ, chiến sĩ thông tin giỏi giờ đây không chỉ biết làm dây bọc mà còn phải biết các kỹ thuật về dây trần nữa.

Đại đội 66 là đơn vị nhận bàn giao toàn bộ mạng dây trần đã làm xong tại ATK để bảo vệ và khai thác.

Tiểu đoàn 303 được bổ sung nhiều tân binh. Sắp xếp củng cố lại tổ chức, tách ra một phần ba quân số gồm số cán bộ, chiến sĩ thành thạo làm dây trần đúng 132 người làm cơ sở để Cục Thông tin liên lạc thành lập một đơn vị chuyên làm điện thoại dây trần với phiên hiệu là Tiểu đoàn 132.

Tôi coi Tiểu đoàn 303 và Tiểu đoàn 132 là hai anh em dây bọc - dây trần luôn gắn bó khăng khít với nhau trong nhiệm vụ chung trong chiến cuộc 1953-1954.

Tiểu đoàn 303 thì hành quân tập kết ở Làng Thân, Yên Bái rồi vào Tây Bắc phục vụ chiến dịch Lai Châu - Điện Biên Phủ.

Còn Tiểu đoàn 132 lúc đó do anh Phùng Minh Bội làm Tiểu đoàn trưởng, anh Lê Văn Thành làm Tiểu đoàn phó thì bắt tay ngay vào xây dựng trục thông tin dây trần từ Bản Mù, Định Hóa - Thái Nguyên, bên cạnh Sở chỉ huy cơ bản Bộ Tổng tư lệnh, lên thẳng Tổng đài Yên Bái qua Bản Khang, Bản Cóc, Bến Hiên.

Yên Bái là Tổng đài trung chuyển hợp điểm với trục dây trần do Đại đội 154 thuộc Tiểu đoàn 303 từ Sơn La kéo ra.

Sơn La lại là Tổng đài hợp điểm thứ hai đón đường dây trần do Đại đội 110 Tiểu đoàn 303 nối từ Sở chỉ huy cơ quan tiền phương Bộ lúc đầu từ Km15 Thẩm Púa trên đường Tuần Giáo - Mường Thanh - Điện Biên Phủ sau vào tới Km62 Khuổi He rồi cuối cùng được nối tới Mường Phăng, Sở chỉ huy cơ bản chiến dịch.

Như vậy là hai anh em 303 và 132 đã làm được một đường điện thoại dài nhất từ trước tới giờ, có kết hợp trưng dụng nhiều đoạn dây của Bưu điện, nối thông liên lạc giữa Bộ Tổng tư lệnh - các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ ở căn cứ địa hậu phương (ATK) với Tổng tư lệnh và các cơ quan chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đường dây đã hoàn thành kịp thời, nhưng việc khai thác và sử dụng toàn tuyến rất hạn chế vì địch dùng máy bay đánh phá rất ác liệt, nhất là ở mấy trọng điểm như đèo Pha Đin, ngã ba Tuần Giáo đường dây luôn bị đứt. Thực sự đường dây phát huy tác dụng nhiều ở từng cung đoạn, phục vụ đắc lực cho công binh và dân công sửa đường, cho cơ quan cung cấp tiền phương nắm chắc tình hình vận chuyển gạo, muối, đạn dược và các nhu cầu khác của chiến dịch.

Khi Tiểu đoàn 303 đang phục vụ chiến đấu ở Điện Biên Phủ thì người anh em 132 lại được lệnh gấp rút làm một đường dây trần đặc biệt từ Thái Nguyên lên Lạng Sơn qua La Hiên, Võ Nhai, Bắc Sơn, Bình Gia, Điềm He, Đồng Đăng tới biên giới Việt - Trung nối thông với các nước xã hội chủ nghĩa anh em, phục vụ việc tiếp nhận hàng viện trợ, vũ khí, khí tài, quân trang quân dụng, v.v. để kịp đưa lên Điện Biên Phủ.

Hai anh em dây bọc, dây trần người đang trực tiếp chiến đấu với địch ở tiền tuyến, người ở phía sau liên lạc với hậu phương lớn xã hội chủ nghĩa đang hết lòng chi viện cho tiền tuyến lớn đánh thắng giặc.

Đường dây Thái Nguyên - Đồng Đăng được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế có hai chuyên gia Trung Quốc là đồng chí Diêu và đồng chí Kiều giúp đỡ kỹ thuật.

Tiểu đoàn 132 đã quyết tâm thi đua, hòa trong tiếng chim rừng "khó khăn khắc phục", hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xứng đáng vào sự toàn thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tổng kết chiến dịch "cả hai anh em" 303 và 132 đều được khen thưởng lớn.

Tiểu đoàn 303 được tặng Huân chương Quân công lần thứ hai. Đây là đơn vị đầu tiên của Bộ đội Thông tin được thưởng hai lần Huân chương Quân công.

Tiểu đoàn 132 tiến lên thành Trung đoàn 132 - đơn vị đã xây nhiều công trình thông tin lớn, đặc biệt nhất là đường trục thống nhất Bắc - Nam dài gần 1.800 km. Với thành tích xuất sắc nhiều mặt nên Trung đoàn đã được Nhà nước tuyên dương là Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là Trung đoàn anh hùng đầu tiên của Binh chủng Thông tin.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”) 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét