23/10/24

Kỷ niệm về bộ điện đài đầu tiên

Thiếu tướng Nguyễn Diệp (nguyên cán bộ Xưởng XRL)

Cuối quý I năm 1947, tôi được điều động từ Khu 10 về làm việc tại xưởng CRL thuộc Phòng Thông tin Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh.

Xưởng mới hình thành từ cuối năm 1946, chuyển lên An toàn khu sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) nên mới có hơn chục cán bộ, nhân viên gồm bộ phận cơ điện phụ trách nguồn điện của xưởng và sửa chữa máy nổ, máy phát điện, ắc quy... quấn mô tơ, biến áp; bộ phận sửa chữa lắp ráp máy điện thoại, tổng đài và bộ phận sửa chữa lắp ráp máy vô tuyến điện.

Là một trưởng đài, nhờ tự học, biết nguyên lý và mạch điện một số điện đài dùng phổ biến ở các đơn vị như: SST-SSR, máy phát kiểu Hắclây, kiểu Mesny, máy thu Schnell, điện đài MKII, MK15, SCR-694. tôi được phụ trách bộ phận sửa chữa lắp ráp vô tuyến điện.

Giữa năm 1947, do nhu cầu trang bị điện đài cho các đơn vị hoạt động trong vùng địch hậu nên xưởng đặt kế hoạch sản xuất một điện đài hoàn chỉnh cả máy thu, máy phát, nguồn điện phù hợp với yêu cầu sử dụng là phải gọn nhẹ, tiện cơ động, dùng máy phát điện quay tay (Ragonô), pin...

Căn cứ vào khả năng thực tế về linh kiện, phụ tùng hiện có, tôi đề xuất lắp ráp máy phát kiểu SST dùng đèn 6L6 dao động bằng thạch anh, cấp điện bằng Ragonô GN58 chiến lợi phẩm, máy thu kiểu Schnell dùng 3 đèn 6K7, 6J7 vì không có loại đèn dùng sợi đốt trực tiếp như 30.31; nguồn của máy thu: 6V3 cho sợi đốt có thể dùng GN58 vì loại Ragonô này có bộ điều tốc và bộ lọc tốt nên khi quay không tiếng ù, cao áp thì dùng pin 45V. Khi làm việc tuy phải quay Ragonô liên tục nhưng khi thu do máy tiêu thụ công suất ít nên rất nhẹ, mặt khác chuyển từ thu sang phát rất nhanh vì sợi đốt đèn máy phát vẫn được cấp điện, thậm chí với đối tượng cần làm liên lạc kiểu BK (đơn công có xen ngắt) vẫn dùng được.

Sau khi xác định được sơ đồ lắp ráp, việc sưu tầm linh kiện, làm bệ máy, hộp đựng máy cũng rất phức tạp vì trong kho chỉ có một số máy chiến lợi phẩm bị bắn hỏng hoặc cháy, dụng cụ cơ khí cũng thiếu thốn...

Tôi còn nhớ phải gỡ linh kiện từ bộ máy của một chiếc máy bay địch bị bắn cháy, bệ máy còn phảng phất mùi khói của xăng và xác phi công bị cháy khét! Việc làm bệ máy cũng tốn công vì phải lấy một phuy xăng 200 lít, dùng cưa, cắt, gò, khoan bằng các dụng cụ thủ công! Điện đài được lắp xong trông cũng gọn gàng, xinh xắn nhưng vỏ máy phải sơn bằng bút không có máy phun nên không bóng đẹp như máy "ngoại". Vì không có dụng cụ đo lường để kiểm tra chính xác các tính năng kỹ thuật, đồng thời là một trưởng đài cũ nên tôi đề nghị được đem máy đến cụm điện đài của Bộ để thử liên lạc với các đơn vị.

Phiên đầu tiên thử liên lạc với Liên khu 3 (cự ly đường chim bay khoảng 150 km) được đài bạn đánh giá tốt (QSA4) tín hiệu trong, dễ tìm. Sau đó tôi thử tiếp với đối tượng ở xa hơn là đài của Liên khu 4 ở cự ly khoảng 300 km, kết quả cũng khả quan, đài bạn cho QSA31.

Không dừng ở kết quả đó, tôi chọn một thạch anh ở tần số cao hơn và xin thử liên lạc với Liên khu 5 ở cự ly khoảng 800 km. Thật không ngờ, đài bạn cũng tìm được tín hiệu hơi nhỏ QSA2 nhưng vẫn có thể nhận được điện vì không bị nhiễu.

Sau thành công bước đầu đó, xưởng chúng tôi tiếp tục lắp một số điện đài đồng bộ để trang bị cho các đơn vị. Anh Lê Dung - xưởng trưởng cũng trực tiếp lắp một máy phát 2 đèn theo kiểu máy MKII có tầng chủ sóng và tầng khuếch đại công suất nên liên lạc tốt với đài Nam Bộ trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Ngày nay ở các trung tâm phát đều dùng những máy phát hiện đại, có độ ổn định tần số cao, có công suất lớn, nhưng chúng tôi vẫn không thể nào quên những loại máy đơn giản do ta lắp ráp trong thời kỳ bộ đội Thông tin còn non trẻ vì chính những bộ máy đó đã góp phần bảo đảm liên lạc trong cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)

--------------------------------------------------------------------------

1 QSA3 là chữ tắt theo luật Q để đánh giá chất lượng tín hiệu thu được. Có 5 cấp QSA 1, 2, 3, 4, 5. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét