Nguyễn Tấn
Sau ngày 2 tháng 9 năm 1945,
Sở Vô tuyến điện Việt Nam giới thiệu tôi đảm nhận công tác ở Bộ Tổng Tham mưu Vệ
quốc đoàn. Bộ Tổng Tham mưu đưa tôi vào làm việc ở đài vô tuyến điện Trung tâm
của Bộ. Làm việc tại đây khoảng hơn một tháng, tôi nhận được lệnh của Bộ chuyển
xuống công tác ở Bộ chỉ huy Chiến khu 3.
Hôm đó khoảng cuối tháng 10
năm 1945, tôi nhận được giấy giới thiệu do đồng chí tham mưu chủ nhiệm Lâm Kính
ký, đến Chiến khu 3 ở Hải Phòng. Ở đây, tôi được nhận một bộ máy chỉ bằng một
chiếc vali nhỏ, để trong hộp sơn đen còn mới tinh. Một căn phòng khoảng 16 m2
trên gác 2 là nơi đặt máy và cũng là chỗ ngủ của tôi. Một dây ăngten còn
cuộn tròn để trên một góc buồng.
Thế là bộ phận vô tuyến điện
chỉ có một mình tôi. Người vẫn luôn bám sát và tỏ ra thân mật với tôi nhất là đồng
chí phụ trách cơ yếu. Anh còn trẻ tuổi, trạc như tôi hay chỉ hơn một vài tuổi.
Tôi không nhớ tên, xin tạm gọi là anh Tuân. Anh Tuân bảo rằng bộ máy này là do
quân ta tước được của Quốc dân Đảng ở Móng Cái.
Tôi nói với anh Tuân là khi
tôi ở Đài của Bộ Tổng Tham mưu, rõ ràng là có liên lạc với đài Chiến khu 3, sao
ở đây vẫn chưa có gì.
Anh Tuân cười thật vui nói: Ồ!
Đó là đài ở trên tàu thủy, hiện tàu đang ở Móng Cái, mấy hôm nữa mới về Hải
Phòng.
Thì ra vậy!
Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là
đặt đài và bắt liên lạc với Bộ Tổng Tham mưu và đài tàu thủy đó.
Tôi ngỡ ngàng mở hộp máy ra.
Nguy quá, tôi chẳng hiểu gì về bộ máy này cả. Không biết nó là kiểu máy gì, công
suất bao nhiêu, có thể liên lạc được xa đến đâu?
Tôi lo quá, nhưng việc đến
tay thì phải làm, không lẽ lại về Sở Vô tuyến điện cầu cứu. Tôi mày mò tìm hiểu
máy suốt cả buổi sáng, chữ trên máy đều là tiếng Anh, may mắn trong lớp học vô
tuyến điện hàng hải, tôi đã được học một số tiếng Anh. Cuối cùng tôi cũng hiểu
ra máy phát sóng chạy bằng quartz, tuy trong chương trình học có học nguyên lý
tạo sóng bằng thạch anh, nhưng thực tình tôi chưa được sử dụng quartz bao giờ
và cũng chưa hề được trông thấy máy quartz. Nhưng sự hiểu biết chỉ mới qua lý
thuyết ấy cũng giúp tôi biết rằng, những miếng bọc nhựa có 2 chân kim thò ra,
có ghi một tần số nhất định chính là những miếng quartz, và chức năng kỳ diệu của
nó là tạo ra tần số phát sóng. Còn máy thu thì là một loại máy siêu tha phách
mà tôi đã được dùng nhưng kích thước rất nhỏ bé. Tôi biết là tôi có trong tay một
máy thu-phát vô tuyến điện được sản xuất trong Chiến tranh thế giới thứ II.
Đó là bộ máy MKII do
Ca-na-đa sản xuất và Mỹ đặt mua hàng loạt cung cấp cho các đơn vị chiến đấu.
Sau này tôi còn có duyên dùng loại máy đó làm đài lưu động đặc biệt của Bộ Tổng
Tham mưu, không những chỉ liên lạc với các đài miền Bắc, miền Trung và cả miền
Nam. Trước đó, tôi chưa bao giờ dám nghĩ rằng một máy vô tuyến điện nhỏ bé như
vậy lại liên lạc xa tới hàng nghìn cây số.
Tôi nhờ anh em giúp đỡ căng
ăngten và tôi loay hoay điều chỉnh máy. Gần cuối chiều hôm đó, chiếc đèn nêông nhỏ
bé của tôi đã lóe sáng trên trụ ăngten máy phát. Nỗi mừng vui của tôi thật
không gì sánh kịp, nhưng tôi vẫn im lặng chẳng reo hò. Chẳng có ai cùng chia sẻ
nỗi vui mừng với tôi cả.
Thế là đài của tôi đã sẵn
sàng hoạt động. Anh Tuân thấy tôi làm xong công việc, cũng cho là bình thường.
Anh hỏi: Đã liên lạc được với Bộ Tổng Tham mưu chưa? Anh không biết rằng tôi
còn phải nhờ báo cho Bộ biết tần số phát sóng của mình và định giờ liên lạc...
Chiều tối hôm sau, tôi bắt
được liên lạc với Bộ Tổng Tham mưu, ở đó cho QSA3 và khen tín hiệu rất trong.
Tôi nghĩ lần đầu tiên đã cho
QSA3 thì chắc ít ra nó phải là QSA4.
Thế là đài vô tuyến điện
chính thức của Chiến khu 3 đã hình thành, đáng tiếc tôi không ghi lại ngày
tháng đúng, chỉ nhớ vào khoảng cuối tháng 10 năm 1945.
Nhưng tôi còn nhiều việc phải
làm. Theo yêu cầu của Bộ chỉ huy chiến khu: phải tiến tới các chi đội (sau gọi
là trung đoàn) thuộc chiến khu có đài. Trước mắt cần bổ sung máy nổ và bộ nạp ắc
quy để đài vẫn hoạt động được khi không có điện nguồn của thành phố, v.v. và
v.v.
Công việc đầu tiên xong
xuôi, đến ngày thứ ba tôi mới có thì giờ đi dạo phố Hải Phòng. Các phố xá Hải
Phòng vẫn chẳng khác gì xưa nhưng có vẻ vắng hơn, ít ồn ào hơn. Đi qua nhà hát
thành phố, tôi thấy nó như nhỏ quá, kiến trúc sơ sài quá.
Thấy dáng vẻ hơi buồn của
tôi, anh Tuân nói: buổi tối sẽ vui hơn. Nếu cậu đi qua vũ trường ASIA thì cậu sẽ
thấy nó còn rực rỡ, còn nhộn nhịp hơn cả Hà Nội...
Một buổi chiều, sau khi làm
việc xong với đài tàu biển, tôi đang chuẩn bị xuống ăn cơm thì thấy dưới nhà có
tiếng ào ào. Những tiếng nói lạ như tiếng Tầu vọng lên. Tôi đang định đóng cửa,
chạy xuống thì mấy lính Tầu Tưởng đã sồng sộc chạy vào buồng tôi. Có mấy anh vệ
binh ta cũng chạy theo. Chúng lơ láo nhìn ngó khắp buồng, rồi như bắt được của
lạ, chúng bước vội đến bàn máy của tôi. Chúng xì xồ chỉ trỏ rồi sấn lại định gỡ
máy ra. Tôi nhảy phắt ra ôm chặt lấy máy. Hai bên giằng co nhau, chúng cố đẩy
tôi ra. Vừa sợ làm hỏng máy, và do tôi cũng yếu hơn, chúng đẩy được tôi ngã xuống.
Nhưng tôi lại vùng dậy, cố gạt chúng ra, không cho tháo máy. Hai vệ binh cũng
xô lại đứng chặn trước bàn máy. Hai bên hầm hè, tình huống hết sức căng thẳng.
Vừa may lúc đó anh Vũ Hiển,
Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng chiến khu đến. Anh Hiển nói: đây là một đơn
vị Vệ quốc đoàn, nên chúng tôi có quyền dùng máy vô tuyến điện...
Chúng cho rằng: máy là máy của
Trung Quốc, Việt Nam không thể có... Hai bên nói đi nói lại một hồi, cuối cùng
chúng bảo sẽ về báo cáo cấp trên, trước mắt chúng yêu cầu tháo ăngten, và chỉ
được dùng máy thu không được dùng máy phát.
Anh Hiển bảo: được, các anh
cứ về báo cáo cấp trên.
Sau sự kiện này, Bộ chỉ huy
họp bàn và quyết định di chuyển đài đi nơi khác. Ngay đêm đó, một xe du lịch
đưa đài và chúng tôi sơ tán đến một ngôi chùa ở ngoại thành. Lúc đó đài đã được
bổ sung thêm một anh báo vụ tên là Nam. Anh là một hiệu thính viên đã làm việc
được ba bốn năm ở BCR nên rất thạo việc và nhanh nhẹn.
Ở trong chùa tuy buồn và
tĩnh mịch nhưng thật dễ chịu. Chưa có điện nên chúng tôi vẫn dùng điện thành phố.
Nhưng ở đây cũng chẳng được
yên. Thỉnh thoảng vẫn có nhóm lính Tầu lảng vảng trên đường gần chùa. Một ngày
lễ mùng một, lại thấy có hai tên sĩ quan Tầu vào lễ chùa. Được hơn nửa tháng,
chúng tôi nhận được lệnh di chuyển. Lần này đi xa hơn, đến một làng cách thị xã
Hải Dương 5 cây số. Chúng tôi không hiểu sao lại phải đi xa thế, nhưng không
dám hỏi vì sợ vi phạm nguyên tắc bảo mật.
Chúng tôi ở nơi sơ tán này
không lâu, đến khi thực hiện Hiệp định Sơ bộ 6 tháng 3, quân Tưởng chuẩn bị rút
đi thì chúng tôi về Hải Phòng.
Nhiệm vụ lo thêm đài vẫn
canh cánh trong lòng tôi. Khu phải cho tôi về Hà Nội để tìm kiếm, xin hoặc mua máy.
Tôi cũng chỉ biết hai nơi: Bộ Tổng Tham mưu và Sở Vô tuyến điện Việt Nam.
Mỗi khi tôi về Hà Nội, Bộ chỉ
huy đều cho xe ô tô, ít khi phải đi tàu hỏa. Có lần đi ghép một hai người,
nhưng có lần chỉ một mình. Tôi lại được phát một khẩu súng nhỏ nữa.
Hôm đó tôi về Hà Nội, một
mình một xe. Sau nhiều lần đi lại, chuyến này may mắn được Sở Vô tuyến điện cấp
cho một bộ máy tự lắp, với một ragônô quay tay do Bộ Tổng Tham mưu cấp. Chiếc
ragônô hình như cũng là tước được của một đơn vị quân Quốc dân Đảng.
Người thì Sở Vô tuyến điện
cho một anh hiệu thính viên đã khá thạo việc.
Chúng tôi phấn khởi đưa máy
lên xe về Hải Phòng. Nhưng đến đầu cầu Long Biên, mấy tên lính Tầu Tưởng ách xe
chúng tôi lại đòi khám, chúng dễ dàng phát hiện bộ máy để trên xe. Sau khi thấy
máy, chúng bắt chúng tôi xuống xe. Thế là chúng hò hét và huýt còi ầm ĩ...
Trong khi láo nháo, có hai thanh niên đi qua, tôi vội nắm lấy một người nhờ anh
ta báo với cơ quan Bộ Tổng Tham mưu ở phố Halais (nay là phố Nguyễn Du) là có 3
người và 1 xe ô tô của Chiến khu 3 bị bắt giữ, nhờ can thiệp.
Đúng là chúng bắt giữ chúng
tôi. Hai tên sĩ quan lên xe và bắt anh lái xe lái về trụ sở của chúng (hiện nay
là phố Lý Nam Đế) ở đó chúng chất vấn chúng tôi là súng và máy ở đâu ra?...
Chúng tôi làm gì mà lại có thứ này?... Tôi trả lời là chúng tôi ở đơn vị Vệ quốc
quân, đây là trang thiết bị của đơn vị (đại ý tôi nói như cách anh Vũ Hiển nói ở
Hải Phòng)...
Cuối cùng người phiên dịch bảo
rằng: Chúng tôi bị giữ lại ở đây để chờ chúng hỏi Bộ chỉ huy quân sự Ủy viên hội
Việt Nam. Thế là chúng tôi bị chúng giam vào một căn buồng nhỏ trong ngôi nhà.
Buổi chiều hôm đó, chúng cũng cho chúng tôi ăn cơm. Thức ăn có mấy miếng bí kho
và mấy miếng thịt kho mùi lạ lùng thật khó nuốt. Tối hôm đó ba chúng tôi nằm co
trên một chiếc giường không có màn, vừa nóng vừa muỗi, không tài nào ngủ được.
Mãi đến trưa hôm sau, chúng
mới trả tự do cho chúng tôi cùng cả xe, súng và máy móc. Sau chúng tôi được biết
là Bộ Tổng Tham mưu do có người báo cho biết đã cử người đến can thiệp, đàm
phán với chúng suốt cả buổi sáng.
Mấy hôm sau, chúng tôi đưa
máy đến đặt cho một đơn vị ở Hòn Gai. Chúng tôi đi trên tàu thủy nhỏ. Tham mưu trưởng
Bộ chỉ huy Chiến khu Vũ Hiển và một đồng chí nữa cùng đi trên tàu với chúng
tôi, cũng đến Hòn Gai công tác. Chiếc tàu nhỏ bập bềnh trên sóng biển. Khi tàu
đến Quảng Yên, một canô của quân Tầu Tưởng đuổi sát chúng tôi và ra lệnh cho
chúng tôi ghé vào bờ. Anh em thủy thủ còn lưỡng lự thì anh Hiển bảo cứ ghé vào
bờ. Đến bờ chúng lên tàu khám. Thấy máy vô tuyến điện và nắn được súng lục
trong người anh Vũ Hiển, một anh cán bộ và tôi... Chúng dẫn chúng tôi lên bờ,
và lại bắt giữ chúng tôi. Ôi! Sao tôi lại nặng nợ với quân Tầu như thế này. Đây
là lần thứ ba tôi gặp rắc rối với chúng. Mà cả Tham mưu trưởng Chiến khu cũng bị
chúng tước súng và bắt giữ nữa. Nhưng anh Hiển chỉ nói là cán bộ thường. Không
cho chúng biết là Tham mưu trưởng. Anh Hiển nhắn được người báo cho Chủ tịch Ủy
ban nhân dân thị xã. Một lúc sau thì Chủ tịch Ủy ban đến, tôi nhớ tên anh là
Trương Tam Tỉnh, cũng là một người trông oai phong lắm. Sau gần một giờ thương
lượng, chúng đã thả chúng tôi cùng toàn bộ vũ khí và máy móc.
Tàu chúng tôi lại rẽ sóng ra
khơi, chả mấy lúc chúng tôi đến Hòn Gai.
Chúng tôi đổ bộ lên Hòn Gai,
ở đây, vì có Tham mưu trưởng cùng đi, chúng tôi được Chi đội đón tiếp khá trọng
thể và nồng hậu. Tôi đặt đài lên một lô cốt trong doanh trại, nó hoạt động tốt
và nhanh chóng bắt liên lạc với Chiến khu. Thế là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ.
Thời gian tôi ở Chiến khu 3
chỉ vừa đúng một năm, nhưng đã có mấy tháng được khu biệt phái sang làm sĩ quan
liên lạc trong Phòng Liên kiểm Việt - Pháp Hải Phòng, rồi tạm chuyển sang phụ
trách đài vô tuyến điện của Bộ Tư lệnh Tiếp phòng quân, theo đề nghị của Thiếu tướng
Lê Thiết Hùng nhờ Chiến khu giúp đỡ...
Chính khi tôi đang ở Bộ Tư lệnh
Tiếp phòng quân đóng tại số 59 phố Quang Trung hiện nay ở Hà Nội, tôi nhận được
lệnh của Bộ Tổng Tham mưu điều về Bộ và sau đó được cử phụ trách đài lưu động đặc
biệt LD1 chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp.
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét