Đồng chí Lê Bá Hồi (kể), Nguyễn
Thị Mão (ghi)
Năm 1949 tôi được lệnh lên Bộ
Tổng Tham mưu nhận công tác. Tôi được giao nhiệm vụ phải đưa một sĩ quan (người
Nhật) về Liên khu 3, trao tận tay Tư lệnh trưởng Văn Tiến Dũng vì Mặt trận Liên
khu 3 lấy được một số pháo của địch mà chưa biết sử dụng.
Người Nhật này là quan ba
pháo binh của quân đội Thiên Hoàng trốn sang hàng ngũ quân ta (ngày phải giải giáp
đi theo quân Đồng minh về nước). Anh ta dáng người to mập, nét mặt lầm lỳ, chậm
chạp, ít nói.
Lệnh của đồng chí Hoàng Văn
Thái: "Cậu phải bằng mọi giá để bảo vệ, đưa anh ấy an toàn về Khu 3, trao
tận tay đồng chí Tư lệnh trưởng".
Tôi hứa... "sẵn sàng thực
hiện nhiệm vụ, dù phải hy sinh". Xuất phát từ Việt Bắc, có tôi và một liên
lạc viên, đưa anh người Nhật đi. Cuộc hành trình êm ả, đã đến địa giới Khu 3,
nơi hoạt động của quân Pháp, đến sông Kinh Thầy, quãng đó gọi là "Quế
Lãnh" cách bốt Đông Triều hơn cây số. Phải vượt sông ban đêm, không được
dùng đò, để giữ bí mật.
Tôi hỏi: Anh có biết bơi
không? Anh người Nhật gật đầu... Tôi bàn với anh cùng đi, ở đây có cói tươi của
đồng bào trồng, ta nhổ một ít làm cái phao để anh Nhật bám vào cho đỡ mệt, và
chúng ta đẩy đi, là chắc ăn; ý kiến đó được thực hiện.
Không ngờ ra đến giữa sông
bó cói vỡ tung, trôi tan tác, anh Nhật thì chìm nghỉm (té ra anh ấy không biết
bơi). Tôi vội lặn xuống túm được anh, dùng đầu nâng đẩy anh lên mặt nước, lúc
đó anh ho sặc sụa, tôi sợ địch gần đó phát hiện thì nguy, nên dùng bàn tay bịt
chặt miệng anh, rồi nâng đầu anh lên khỏi mặt nước đẩy anh tiến vào bờ.
Tôi đã cảm thấy anh quá nặng,
mà cách bờ còn xa, người mệt rã rời, chợt nhớ tới lời đồng chí Tổng Tham mưu trưởng
dặn dò, như nhắc nhở tôi "phải cứu cho được anh Nhật, anh phải sống"
tự nhiên trong tôi như được tiếp thêm sức mạnh, và tôi đã vật lộn với sóng nước
không biết bao lâu. Đột nhiên, một cảm giác vui mừng như người sắp chết đuối được
cứu hộ, đó là chân tôi đã chạm đất; niềm vui đó tiếp thêm sức mạnh, tôi vác anh
lên vai, vịn cỏ cây, trèo lên bờ, đặt anh xuống đất, anh nằm im như đã chết. Tôi
gọi cậu cùng đi, anh ta cũng nằm gần đó, nói tiếng đứt quãng... em mệt quá
không dậy được...
Nỗi lo sợ anh người Nhật chết,
tôi vội cầm chân, vác ngược anh lên vai, chạy vòng quanh, may quá nước trong mồm
anh ộc ra rất nhiều, tôi đặt anh nằm trên thảm cỏ, làm động tác hô hấp, xoa ngực,
cử động chân tay cho anh.
Một lúc sau, anh thở mạnh,
và trong ánh sao đêm, đôi mắt anh đã mở to, tôi sung sướng quá, như muốn reo
lên. Lúc đó đồng chí cùng đi đã ngồi dậy được, hỏi tôi "đã tỉnh chưa
anh", tôi đáp khẽ: anh ấy tỉnh rồi, cậu lại đây.
Hai chúng tôi cùng xoa bóp
liên tục cho anh, tự nhiên tôi tâm sự: Ngày còn bé mình đã mê bơi lội, làng
mình có cái hồ tên là "hồ dài" rộng và dài lắm, cứ mỗi ngày đi học về
là mình chỉ bơi ở đó, không chơi gì khác, có hôm bơi liền hàng tiếng dưới hồ,
quên cả ăn cơm. Trong đám trẻ làng, nếu thi bơi lặn bao giờ mình cũng nhất,
cũng nhờ bơi lội mà mình rất khỏe, chẳng ốm đau gì.
Anh bạn đồng tình, nói thực
vậy, em thấy anh quá khỏe, nếu đêm nay không có anh, có lẽ anh người Nhật đã trôi
tận đâu rồi.
Mải nói chuyện, anh người Nhật
đã ngồi dậy được, anh cầm tay tôi vẻ biết ơn và trìu mến. Tôi mừng quá, xoa
thêm dầu gió cho anh, hỏi anh đỡ mệt chưa? Anh mỉm cười gật đầu.
Chúng tôi thầm thì trò chuyện,
bên bờ sông Kinh Thầy trong đêm vắng vẻ. Gió dưới sông phả lên mát rượi, như tiếp
thêm nguồn sinh lực cho chúng tôi chuẩn bị lên đường. Tôi nhẩm tính, từ đây đến
vùng tự do của Khu 3 khoảng hơn chục cây số, đường đi qua đất của 4 huyện Chí Linh,
Kinh Môn, Thạch Thành, Thanh Hà, có ba trạm gác, ba bến đò, toàn người của ta,
nằm trong xã (ngày làm tề ngụy, đêm làm Việt Minh), thành phần già có, trẻ có, thanh
niên, phụ nữ có, những người này được ủy ban các xã cử ra để giúp đỡ quân dân,
cán bộ đi về (đường dây này do tôi tổ chức và phụ trách).
Tôi quyết định lên đường,
hai người chúng tôi xốc nách anh bạn Nhật đứng lên và dìu đi chầm chậm, anh
cũng tỏ ra cố gắng bước theo chúng tôi.
Đến trạm giao liên đầu tiên,
tôi làm ám hiệu, rồi ngồi chờ, một lúc sau thấy người vác vó tiến về phía chúng
tôi cũng bật lửa hút thuốc. Nhận ra người của mình, chúng tôi theo cụ vào nhà,
ăn uống, nghỉ ngơi cho lại sức rồi đi tiếp. Cứ thế, theo đường dây, chúng tôi
đã đến Bộ Tư lệnh Liên khu 3. Đồng chí Tư lệnh trưởng Văn Tiến Dũng tiếp nhận,
khen ngợi, cảm ơn chúng tôi.
Cầm giấy tiếp nhận, tạm biệt
Quân khu và anh bạn người Nhật, chúng tôi quay về Việt Bắc, báo cáo đồng chí Hoàng
Văn Thái: Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ.
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét