Đại tá Nguyễn Xuân Đào
Năm 1946, tôi đưa thuyền vũ khí từ miền Bắc vào Nam Bộ,
sau đó được nhập cùng đoàn cả người và vũ khí về miền Đông (Khu 7) để thành lập
Trung đoàn 300. Khi đến địa phận tỉnh Gò Công thì gặp tiểu đoàn của anh Lê Văn Xai
(Tám Xai) (Ban chỉ huy còn có anh Phước "Râu", anh Sĩ "Kiến").
Chúng tôi nhờ giúp đỡ, anh Tám sốt sắng cho người mang
vác vũ khí, lo thuyền cho chúng tôi vượt sông Soài Rạp sang Chiến khu Rừng Sác.
Trước khi về chiến khu, anh Tám gợi ý rủ chúng tôi "đánh
chơi một trận". Có lẽ các anh thấy chúng tôi mang về vũ khí tốt có đại
liên, trung liên, súng cối, súng phóng lựu... nên muốn hợp tác đánh trận chắc
ăn hơn, còn chúng tôi lần đầu tiên về lại đất Nam Bộ dự trận đầu tiên, nên ai
cũng vui vẻ tán thành. Chúng tôi cùng bộ đội anh Tám xung trận, đánh đoàn xe giặc
từ đồn Vàm Láng về Gò Công, đánh tại ngã ba Kiển Phước, đánh gọn, tiêu diệt
nhanh.
Chiến khu Rừng Sác cũng là hậu cứ của bộ đội anh Tám
và tỉnh Gò Công nên anh Tám thường tới lui. Anh Tám có đặc điểm đi thường ở trần,
áo vắt vai, chân đất đeo bên hông khẩu súng ngắn "colt 12". Anh em vẫn
nói đùa nhìn từ xa là biết "Đội Xai", có lẽ hồi trước anh Tám đi lính
Pháp làm "báo vụ viên" lên cấp "Đội".
Anh Tám lớn tuổi hơn tôi, song anh đối xử với tôi thân
tình như anh em. Biết tôi tốt nghiệp Trường Quân chính Việt Nam ở Sơn Tây nên
anh đề nghị tôi cung cấp tài liệu huấn luyện bộ đội. Anh khích tôi: "Cậu lặn
lội từ Nam ra Bắc tầm sư học đạo học rồi bỏ đó thì uổng công tốn sức".
Sau đó tôi về phụ trách Tiểu đoàn "Trần
Phong" của Trung đoàn 300, địa bàn hoạt động khác nhau nên từ năm 1952 khi
tôi được điều động về làm Giám đốc Trường Quân chính Mỹ Tho thì gặp lại anh Tám
đang làm Tham mưu trưởng của Tỉnh đội Mỹ Tho và chúng tôi lại gần gũi nhau trong
công tác.
Lúc ở Mỹ Tho, tôi nhớ mãi ngày anh Tám gặp nạn. Anh Tám
cất nhà ở kinh Bùi, còn tôi cũng cất nhà ở và làm việc cách xa nhà anh Tám độ
200m. Một hôm, có lẽ bọn thám báo chỉ đích xác nhà "ông Lớn" (nhà anh
Tám), địch dùng 2 máy bay "Kyreydo" đến bắn phá xung quanh và thả 4 quả
bom, nhà anh Tám tan tành. Nhưng nhờ kinh nghiệm sống ở đồng bằng, vả lại trước
khi ném bom, máy bay lượn nhiều vòng, đủ thời gian cho anh Tám thoát chết.
Tôi và anh Tám sống, chiến đấu ở Đồng Tháp Mười đến năm
1954 tập kết ra Bắc. Anh phụ trách Phó ban thông tin Phân liên khu miền Đông.
Năm 1958, anh phụ trách Tiểu đoàn 5, Trường Lục quân đào tạo bổ túc sĩ quan thông
tin. Tháng 5 năm 1961, anh về Nam (cùng Đoàn Phương Đông 1). Sau khi tốt nghiệp
Học viện thông tin Trung Quốc, tôi về làm Chủ nhiệm thông tin Lữ đoàn 305. Được
lệnh về Nam chiến đấu, bất ngờ lại gặp nhau trong ngành thông tin liên lạc. Cấp
trên giao anh Tám làm Trưởng ban thông tin, tôi làm Phó ban thông tin của B2.
Thời gian chuẩn bị vượt Trường Sơn rất ngắn, chúng tôi
nỗ lực làm mọi thứ cho thông tin miền Nam, thực hiện lệnh cấp trên nghe qua tưởng
giản đơn song hết sức khó khăn phức tạp: các anh về phải lập cho được cầu nối thông
tin liên lạc quân sự địa phương đến Trung ương và ngược lại.
Tháng 5 năm 1961, cuộc hành quân vượt Trường Sơn bắt đầu.
Lúc hành quân anh Tám tách ra chỉ huy một đơn vị thực binh còn tôi chỉ huy Phân
đội Thông tin trực thuộc. Tôi còn có nhiệm vụ mang một điện đài đi theo sát đồng
chí Trần Văn Quang (sau này là Thượng tướng) người chỉ huy Đoàn Phương Đông.
Sau 3 tháng hành quân, chúng tôi gặp lại nhau ở đồi Cối Xay - Mã Đà (Chiến khu
Đ).
Ngày 14 tháng 8 năm 1961, anh Tám triệu tập hội nghị Thông
tin đầu tiên, cũng là ngày thành lập Thông tin liên lạc B2. Hội nghị công bố
danh sách các đồng chí đứng đầu thông tin các quân khu; thành lập đội thông tin
trực thuộc đầu tiên B18; giao nhiệm vụ cho từng sĩ quan tham mưu thông tin.
Anh Tám chỉ định tôi báo cáo tình hình và nhiệm vụ sắp
tới của Thông tin liên lạc miền Nam.
Trên đây là những nét lớn ban đầu, về sau nhiều năm xây
dựng lực lượng thông tin lớn mạnh, tổ chức mạng lưới thông tin rộng khắp phát
triển và chặt chẽ. Anh Tám là Trưởng ban Thông tin của một chiến dịch đầu tiên ở
miền Nam (chiến dịch Bình Giã năm 1963). Trong quá trình công tác, anh Tám có
những điểm nổi bật:
- Thái độ tác phong hoà nhã nhưng rất kiên quyết được anh
em mến phục.
- Xây dựng tinh thần chiến đấu dũng cảm vừa đánh giặc
vừa bảo đảm thông tin liên lạc. Nhờ vậy mà thành tích của đơn vị giết giặc lập
công, thật đáng khen thưởng.
Từ tháng 2 đến tháng 4 năm 1967, anh là Huyện đội trưởng
tham gia chiến dịch phản công đánh bại cuộc càn Gian-xơn Xi-ty, loại khỏi vòng
chiến đấu 911 tên địch, phá hủy 73 xe tăng, bắn rơi 16 máy bay, thu 12 khẩu
AR-15, 7 PRC-25.
Rất tiếc anh Tám không đi cùng thông tin đến ngày giải
phóng, anh chuyển ra làm Cục trưởng Cục Xây dựng kinh tế, sau đó làm Phó Tư lệnh
Quân khu 8 và mất khi về hưu.
Ngày 1-12-2008
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”)
0 comments:
Đăng nhận xét