Nguyễn Diệp - nguyên giáo viên
Tháng 12 năm 1945, Phòng Thông tin - Bộ Tổng Tham mưu
mở lớp đào tạo báo vụ viên đầu tiên ở Hà Nội. Năm 1947 mở lớp thứ 2 ở An toàn
khu Định Hóa Thái Nguyên.
Sau khi Phòng Thông tin được phát triển thành Cục Thông tin liên lạc (tháng 7-1949), trước nhu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật trẻ do cách mạng đào tạo, Cục đã mở lớp cán sự vô tuyến điện có trình độ trung cấp (lúc đó gọi là phó kỹ sư), nhưng do điều kiện thiếu giáo viên và sự chỉ đạo của Bộ nên Cục chuyển học viên sang học lớp trưởng đài ở Trường Lục quân khóa 7. Để kịp thời bổ sung cán bộ kỹ thuật cho Xưởng và Trạm sửa chữa thông tin các đơn vị, Cục Thông tin giao Xưởng CRL tổ chức đào tạo lớp cơ công sơ cấp cả về lý thuyết và thực hành, đảm bảo khi tốt nghiệp có tay nghề nhất định, có thể sửa chữa các máy vô tuyến điện, điện thoại, máy phát điện..., kiểu dùng phổ biến ở các đơn vị trong thời kỳ đó, có thể lắp ráp các điện đài kiểu giản đơn.
Đầu tháng 4 năm 1950, học viên ở các cơ quan của Bộ Quốc
phòng, các chiến khu, các đơn vị chủ lực trực thuộc Bộ và một số học sinh mới
nhập ngũ lần lượt tập trung về Xưởng CRL (lúc đó ở Bản Piềng, xã Thanh Định
trong An toàn khu huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên) học tập.
Xưởng tổ chức cho anh em xây dựng hội trường, nhà ở; đến
cuối tháng 4 năm 1950 đã chuẩn bị xong cơ sở vật chất bảo đảm huấn luyện. Lúc
này đã tập trung được hơn 30 học viên (có 2 nữ), phần lớn có trình độ trung học
cơ sở, có 1 học viên đã tốt nghiệp tú tài, một số ít mới học xong tiểu học.
Về chuyên môn, đa số ở các ngành khác, một số ít đã là
trưởng đài hoặc báo vụ viên như đồng chí Lưu Minh Đức học ở Liễu Châu từ năm
1942, đã là Trưởng đài, nay được Trung ương cử đến; đồng chí Trần Văn Phúc đã
là Trưởng đài vô tuyến điện Khu Việt Bắc; đồng chí Nguyễn Sĩ Nga đã là báo vụ từ
năm 1948 ở Đội vô tuyến điện 59...
Đầu tháng 5 năm 1950, lớp học bắt đầu. Vì cả nước đang
dấy lên phong trào "chuẩn bị tổng phản công" nên lớp học mang tên
"Khoá chiến thắng".
Chương trình huấn luyện gồm các môn học sau:
1. Cơ sở lý thuyết và thực hành gò hàn, cưa sắt, giũa mặt
phẳng, giũa phôi có sẵn để thành kìm vạn năng...
2. Cơ điện gồm có cơ sở điện kỹ thuật, các loại nguồn điện
và máy nổ, có thực hành làm pin nước, nạp ắc quy, quấn biến áp, sửa chữa máy nổ
2 tầm, 4 tầm.
3. Nguyên lý vô tuyến điện, các loại máy thu phát thông
dụng trong quân đội thời kỳ đó (MKII, SST, Schnell, Mesny, Hartley...), có thực
hành sửa chữa máy điện thoại, lắp máy phát 1 đèn kiểu SST, máy thu 3 đèn kiểu
Schnell.
Đội ngũ giáo viên là lớp cán bộ, nhân viên của Xưởng vừa
dạy lý thuyết, vừa hướng dẫn thực hành. Giáo viên cơ khí có bác Nguyễn Đình Hồng,
Lê Thành Liên, cụ Thọ, cụ Sếnh. Giáo viên máy nổ, máy phát điện có bác Mão, bác
Thành, bác Huyên. Trợ lý hướng dẫn bảo quản, sửa chữa các động cơ điện, hộp đổi
điện và quấn biến thế có đồng chí Trần Ngọc Duyện. Giáo viên lý thuyết điện, vô
tuyến điện có đồng chí Nguyễn Diệp, Lê Kim Khánh, Lê Dung. Hướng dẫn lắp máy có
Lê Kim Khánh, Lê Bá Lộc, Nguyễn Thắng. Đồng chí Lê Dung - Xưởng trưởng phụ
trách chung. Giữa tháng 7 năm 1950, đồng chí Diệp được điều động đi tham gia
chiến dịch Biên Giới không dự bế mạc lớp.
Về phương pháp giảng dạy:
Do trình độ học viên không đồng đều, thời gian huấn luyện
có hạn (lúc đầu dự kiến 6 tháng, thực tế chỉ học hơn 3 tháng), yêu cầu khi tốt
nghiệp phải làm được việc ngay, nên tư tưởng chỉ đạo là dạy lý thuyết đủ làm cơ
sở, còn lấy thực hành làm chính. Về nguyên lý vô tuyến điện, giáo viên soạn bài
giảng dựa theo cuốn "La radio mais c'est très simple " (vô tuyến điện
- thật rất đơn giản) dùng các hiện tượng vật lý, các ví dụ dễ hiểu nên học viên
kém cũng tiếp thu được.
Về thực hành, vì lớp học tổ chức tại Xưởng có đủ dụng cụ,
vật liệu nên học viên ra trường đã có tay nghề nhất định, có thể sửa chữa, lắp
ráp các máy điện thoại, vô tuyến điện đơn giản kể cả làm bệ máy, hộp máy.
Sau khi tốt nghiệp, học viên được phân công về các đơn
vị trực thuộc Cục và các sư đoàn 308, 316, 351, Khu 10, Khu Việt Bắc... kịp thời
góp phần bảo đảm kỹ thuật thông tin phục vụ các chiến dịch trong thời kỳ chống
Pháp.
Sau khi miền Bắc được giải phóng, một số được dự các lớp
trung cấp kỹ thuật ở phố Lý Thường Kiệt hoặc dự các khoá học tại chức ở Đại học
Bách khoa nên trừ một số chuyển đi phục vụ các ngành khác, phần lớn còn lại tiếp
tục công tác trở thành những cán bộ nòng cốt của cơ quan kỹ thuật Binh chủng,
Nhà máy M1, của xưởng, trạm các quân khu, quân chủng, binh chủng hoặc nhà trường,
viện kỹ thuật thông tin.
Ví dụ:
- Đồng chí Đỗ Mạnh Lộc đã là Viện trưởng Viện Kỹ thuật
và chủ nhiệm cơ quan Kỹ thuật của Binh chủng.
- Đồng như Nguyễn Trọng Khoát là Hiệu trưởng, đồng chí
Phùng Văn An là Hiệu phó Trường Trung cấp kỹ thuật Thông tin.
- Đồng chí Trương Ngọc Vĩnh là Viện trưởng Viện Điện tử
thuộc Viện Kỹ thuật Bộ Quốc phòng, đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh (tháng
8-1997) về công trình chống phá bom từ trường của Mỹ sử dụng trong chiến tranh
phá hoại.
- Đồng chí Phạm Quốc Khánh đã làm trạm trưởng trạm tải
ba đầu tiên, giáo viên lớp Trung cấp kỹ thuật.
- Đồng chí Trần Văn Phúc làm Xưởng trưởng Quân khu Việt
Bắc và tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 26 đào tạo Sĩ quan thông tin hệ 3 năm.
- Đồng chí Vũ Hùng làm giáo viên ở Trường Kỹ thuật Thông
tin 17 năm và là cán bộ kỹ thuật đầu ngành sửa chữa máy điện báo truyền chữ.
- Đồng chí Vũ Lương là thợ giỏi của M1 tham gia chiến dịch
Điện Biên Phủ.
- Đồng chí Nguyễn Đức Minh đã công tác ở Khu 10, Sư đoàn
316 Trung đoàn 98 bị thương nặng ở Điện Biên Phủ sau làm giáo viên ở Sư đoàn
367 Quân chủng Phòng không - Không quân.
Một số đồng chí sau kháng chiến chống Pháp chuyển sang
các ngành khác cũng phấn đấu học tập trở thành kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ. Ví dụ:
- Đồng chí Nguyễn Sĩ Nga tốt nghiệp dược sĩ cao cấp, làm
Quản đốc và Chủ tịch Công đoàn Xí nghiệp dược phẩm Trung ương 1.
- Đồng chí Vũ Quang Toản và Nguyễn Khắc Chính công tác
ở Hãng phim Trung ương 14 năm.
- Đồng chí Đặng Kỳ Lộc sau khi tốt nghiệp lớp Trung cấp
về công tác ở Kho thông tin.
Tóm lại, thời gian học tập tại Xưởng CRL tuy ngắn (hơn
3 tháng), nhưng nhờ xác định nội dung và phương pháp học tập hợp lý, nhờ tinh
thần ham học tập, nghiên cứu của học viên, nên sau khi tốt nghiệp đã góp phần bảo
đảm kỹ thuật trong kháng chiến chống Pháp. Đặc biệt với tinh thần phấn đấu vừa
làm, vừa học nên hầu hết đã tốt nghiệp Đại học và trở thành cán bộ kỹ thuật
nòng cốt trong các ngành và góp phần đào tạo nhiều lớp cán bộ kỹ thuật kế cận,
có nhiều sáng kiến có giá trị.
Nhờ kinh nghiệm huấn luyện ngắn ngày nên trong cuộc kháng
chiến chống Mỹ, Binh chủng đã đào tạo được nhiều lớp cán bộ kỹ thuật bổ sung
cho chiến trường và các đơn vị, điển hình là lớp cán bộ kỹ thuật Trung cấp 12
tháng bổ sung cho Khu 5 và Đông Nam Bộ năm 1967 (Đoàn 239).
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”)
--------------------------------------
* Viết nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày khai giảng lớp cơ công đầu tiên (tháng 5/1950 - tháng 5/2000).
0 comments:
Đăng nhận xét