Lại Văn Danh
Do yêu cầu chiến đấu ngày càng phát triển, ngoài việc đào
tạo cán bộ, chiến sĩ các khóa thông tin liên lạc, Phòng Thông tin Miền còn phải
bảo đảm phương tiện máy, khí tài cho các đơn vị làm nhiệm vụ từ sửa chữa, bảo dưỡng
đến nghiên cứu lắp ráp sản xuất hàng loạt máy vô tuyến điện thu phát tín hiệu cỡ
nhỏ. X35 đã cho ra đời chiếc máy mang tên khai sinh là "Sinen",
"Ấp Bắc" và "Võ Thị Sáu". Các linh kiện của máy được gắn
trên một miếng nhôm gồm các tụ, kháng, các bóng đèn thu và phát... Mặt máy cũng
là một miếng nhôm gồm có công tắc mở, tắt máy, núm chọn tần số (làn sóng) thu
và phát, núm lọc điều chỉnh tín hiệu "moóc" và 2 lỗ cắm maníp, tai
nghe, 2 miếng nhôm nối thành bệ máy, được đưa nằm gọn trong một thùng đạn đại
liên bộ binh của Mỹ, đậy nắp thùng đạn lại máy rất an toàn, chịu được chấn động,
chịu ẩm ướt tốt. Máy rất gọn nhẹ, nguồn pin điện cho phát 150V, cho thu 90V. Cự
ly liên lạc giữa hai máy cùng loại khoảng 40-50km (tùy theo địa hình thời tiết).
Nếu được liên lạc với máy hiện đại loại trung 15W như máy 81 của Trung Quốc,
máy GRC-9 của Mỹ và được sự hỗ trợ về công suất thì cự ly liên lạc đạt khoảng
80-100km (tùy theo địa hình, thời tiết).
Do tính năng kỹ thuật chiến thuật, của máy, đài trưởng,
báo vụ viên được học thêm kỹ thuật đấu pin, sửa chữa, thay thế hư hỏng thông
thường. Máy và người được bổ sung cho các đơn vị nhỏ thọc sâu trong lòng địch
đáp ứng tốt cho trinh sát, quân báo.
Trở lại những cái tên, tên "Sinen" (phiên âm
của kiểu máy Schnell) do cán bộ, công nhân X35 - người khai sinh ra đặt cho nó.
Tên "Ấp Bắc" là một địa danh và cũng là tên một trận đánh của quân
dân xã Tân Phú, Cai Lậy, Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). Đây là, trận đánh đã góp
phần làm thất bại chiến thuật "trực thăng vận", "thiết xa vận",
bủa lưới phóng lao, hợp vây đánh điểm của quân Mỹ - ngụy. Sự ra đời của máy
"Ấp Bắc" mang ý nghĩa cung cấp kịp thời cho bộ đội thông tin trong
kháng chiến chống Mỹ. Nó giải quyết sự thiếu máy vô tuyến điện báo cỡ nhỏ để phục
vụ cho chỉ huy, chỉ đạo trong điều kiện chi viện của hậu phương lớn không kịp
đáp ứng.
Tên "Võ Thị Sáu" được đặt cho máy có thể vì
nó gọn nhẹ, xinh đẹp mà tính năng, hiệu quả của nó có vị trí quan trọng góp phần
làm nên nhiều chiến tích như tên người nữ liệt sĩ anh hùng.
Khi một loại máy được phát huy tốt tính năng kỹ thuật,
chiến thuật, trong giới báo vụ, đài trưởng chúng tôi từng nhận máy bổ sung đi
làm nhiệm vụ lại đặt thêm tên gọi cho máy như máy AB là gọi tắt của hai từ Ấp Bắc
hoặc máy VTS gọi tắt của tên Võ Thị Sáu hoặc máy X35 vì nó ra đời từ X35 hoặc
máy đại liên vì nó được nằm gọn trong thùng đựng đạn đại liên.
Chiếc máy được mang nhiều tên gọi ấy một thời đã góp phần
cùng các loại máy vô tuyến điện khác đưa làn sóng điện lên không trung, bảo đảm
thông tin liên lạc cho chỉ huy chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng.
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”)
0 comments:
Đăng nhận xét