Hoàng Công Sự
Năm 1973 sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, Phân khu
6 và Phân khu 1 được sáp nhập và lấy tên là Thành đội Sài Gòn - Gia Định. Lực
lượng thông tin cũng được sáp nhập, từ hoạt động thông tin mang tính đơn lẻ phụ
thuộc, thông tin Sài Gòn - Gia Định đã chuyển sang hoạt động có quy mô và tổ chức
chặt chẽ. Do tính chất nằm trong vùng địch và địa bàn phức tạp giữa ta và địch ở
đan xen quanh ngoại ô Sài Gòn, việc đi lại khó khăn nên mạng lưới thông tin chủ
yếu là vô tuyến điện. Hệ thống liên lạc gồm: Thành đội Sài Gòn - Gia Định với Bộ
Tổng tham mưu (Hà Nội), Bộ chỉ huy Miền và mạng hợp đồng giữa các đơn vị: Trung
đoàn bộ binh 16, Đoàn đặc công Rừng Sác (Cần Giờ), 429, 115, 27... các tỉnh bạn
và các cánh quân quanh nội, ngoại ô Sài Gòn (khi vào chiến dịch có thêm một số đơn
vị chủ lực: Quân đoàn 4, Đoàn pháo binh 75, 77..).
Đại đội thông tin vô tuyến điện K74 nằm rải rác bên kia
sông Sài Gòn, từ khu vực dốc Năm Dồ, Bến Súc, cầu Sinô kéo dài vào cầu Xéo thuộc
Thanh An của tỉnh Bình Dương. Trong những năm 1973-1974 do có một vài người không
chịu nổi khó khăn, ác liệt đã chiêu hồi. Địch biết khu vực thông tin nên ngày
đêm liên lục càn quét, bắn phá, mãi rồi thành quen, anh em thường đùa vui:
"Tối không có trận pháo thì ngủ không ngon". Quả đúng như thế, hầu
như đêm nào cũng vậy, cứ từ hơn 7 giờ tối đến 10 giờ đêm thế nào cũng hứng chịu
từ 10 đến 15 quả pháo địch từ căn cứ Đồng Dù, Trung Hoà (Củ Chi), lúc đầu là 3 loạt
pháo chụp sau đó là pháo khoan. Hôm nào nó bắn sớm thì mới dám mắc võng ngủ còn
chưa bắn thì phải ngồi canh ở cửa hầm. Sáng tầm từ 4 giờ phải thức dậy đón trận
pháo xong mới đi nấu cơm ăn.
Ngoài việc bảo đảm mạng lưới thông tin thông suốt, đơn
vị thông tin còn tăng gia sản xuất, lương thực gần như tự túc, làm công tác dân
vận trong lòng địch khi chúng nống ra càn quét...
Sang đầu năm 1975 một bộ phận của đơn vị thông tin được
chuyển về Bến Dược, Hố Bò (Củ Chi) để tiện phục vụ cho Bộ chỉ huy Thành đội, phần
lớn được chia thành nhiều mũi, nhiều cánh xuống các huyện ngoại ô Sài Gòn: Nhà
Bè, Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn... tất cả đều trang bị bằng loại máy AB67 để
tiện cơ động, mang vác. Tuy nhiên, nếu biết sử dụng thành thạo thì loại máy này
rất hiệu quả vì nó gọn nhẹ, không dùng ragônô mà dùng 80 cục pin đấu nối thành
nguồn điện 120V, sau khi liên lạc xong bỏ vào 2 chiếc thùng đựng đạn đại liên
dìm xuống sình là an toàn.
Sau khi Quân giải phóng đánh chiếm Buôn Ma Thuột ngày
11 tháng 3 năm 1975, giải phóng Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung, mở đầu cuộc
Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, địch thất bại phải rút chạy về Sài Gòn.
Đây cũng là lúc chúng tìm mọi cách nhằm "Tử thủ tại Sài Gòn", ngày
đêm chúng huy động lực lượng máy bay trực thăng quần đảo, pháo binh, súng cối
các loại từ căn cứ Đồng Dù liên tục bắn phá các khu vực của ta ở Bến Dược, Hố
Bò, Rừng Làng, An Nhơn, Phú Mỹ, Phú Hoà Đông... làm cho mạng lưới thông tin
liên tục bị ngắt quãng. Cũng trong giai đoạn này các chỉ thị, nghị quyết Trung
ương, Bộ Tư lệnh Miền chuyển xuống thông qua mạng thông tin về tuyến điện ngày
càng dồn dập, có phiên liên lạc kéo dài liên tục hơn 4 giờ, nhận 87 bức điện
cùng một lúc, anh em vẫn kiên trì bám máy bảo đảm thông tin liên lạc luôn thông
suốt.
Tháng 3 năm 1975, một tổ đài do đồng chí Vệ làm Đài trưởng,
hai báo vụ viên là đồng chí Sự và Liên, hai cơ yếu đồng chí Vang và Trân, có
nhiệm vụ phục vụ Bộ chỉ huy Tiền phương B chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh.
Tổ đài nằm dưới những rặng cây trâm bầu trên bờ rạch ngay tại sân bay Tân Sơn
Nhất, xung quanh là sình lầy và sát nách địch. Cuộc sống rất gian khổ vì ăn, ở,
vệ sinh đều tại chỗ, nước lợ rất khó uống.
Tất cả điện đài đều cất giấu trong thùng đạn đại liên dìm
xuống sình, ban ngày anh em chém vè trong bụi chuối nước, mọi giao dịch với
nhau chỉ thông qua ký hiệu, sau 3 đến 4 giờ chờ địch đi càn về hết mới trở về
mang điện đài lên lên lắp ráp và chỉ được phép liên lạc sau 11 giờ đêm. Địch phát
hiện có đài lạ nên ban đêm thường cho máy bay trực thăng rà sát các bờ rạch
dùng đèn pha cực mạnh để tìm đài nên mỗi lần liên lạc hai đồng chí kéo 2 đầu
dây ăngten leo lên cây, nếu thấy máy bay trực thăng bay ngang qua phải nhanh
chóng ngụy trang bằng cách thả ăngten xuống các lùm cây.
Càng gần vào chiến dịch thì công tác phục vụ thông tin
liên lạc càng cực kỳ khó khăn và phức tạp: Trang thiết bị chuyển xuống không kịp
lại bị hư do bị pháo địch bắn phá dữ dội suốt ngày đêm... Mạng thông tin lúc
này (nhất là mạng hợp đồng với các đơn vị chủ lực) tăng lên, tần suất làm việc
liên tục, các đài lẻ phải nhờ đài canh để xin liên lạc gấp với mạng chỉ huy, do
biết sóng và nghe quen tín hiệu, nhiều lúc bí quá anh em phải chèn ngang trên
sóng để chuyển điện.
17 giờ ngày 28 tháng 4 máy bay ta (tổ lái do phi công Nguyễn
Thành Trung) ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, lực lượng pháo 130 ly cũng dồn dập bắn
vào sân bay, cả bầu trời với hàng trăm máy bay địch hốt hoảng lên xuống tìm đường
tháo chạy. Lực lượng thông tin Thành đội Sài Gòn - Gia Định được lệnh chuẩn bị
về Thành, trong niềm vui khó tả anh em động viên nhau cố gắng giữ vững thông tin
liên lạc, chỉ thị của Ban thông tin là "Giữ vững thông tin liên lạc, chuyển
nhận điện kịp thời nhằm phục vụ cho chỉ huy hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ".
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 cả đất nước vỡ oà trong niềm
vui chiến thắng, trong chiến công chung của các lực lượng vũ trang có phần đóng
góp không nhỏ của Thông tin Thành đội Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch
sử.
0 comments:
Đăng nhận xét