27.1.25

Bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh

Đại tá Đoàn Minh Chức - nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Binh chủng TTLL

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quân và dân ta đã phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất của mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, đã tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 với Chiến dịchHồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lâu dài, anh dũng của dân tộc ta.

Năm tháng đã trôi qua, những thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời cho sự toàn thắng của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng Việt Nam và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX. Đây là một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc. Nhớ lại trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Bộ đội Thông tin đã đóng góp lớn lao, góp phần vào sự toàn thắng của chiến dịch. Ôn lại những ngày lịch sử hào hùng đó chúng ta đều biết:

Sau khi đập tan hệ thống phòng thủ Quân khu 1, Quân khu 2 của quân đội Việt Nam Cộng hòa đã mở ra thời cơ chín muồi cho cuộc tổng công kích chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam. Ngày 14 tháng 4 năm 1975, Bộ Chính trị đã thông qua kế hoạch giải phóng Sài Gòn – Gia Định và lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

17 giờ 50 phút ngày 14 tháng 4 năm 1975 các chiến sĩ vô tuyến điện tại Bộ chỉ huy Chiến dịch nhận được bức điện quan trọng của Bộ Chính trị gửi cho Bộ chỉ huy Chiến dịch.

Theo kế hoạch, toàn bộ lực lượng trong đội hình Chiến dịch đến vị trí tập kết phải hoàn thành vào ngày 20 tháng 4 năm 1975 gồm 15 sư đoàn và nhiều lực lượng khác tham gia kết hợp tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn. Tình hình trên đây đã đặt ra yêu cầu nhiệm vụ cho thông tin liên lạc hết sức nặng nề vì đây là một chiến dịch quy mô lớn chưa từng có, lại đánh vào một thành phố lớn, có nhiều mục tiêu quan trọng, yêu cầu triển khai thông tin rất gấp, địa hình chưa được nghiên cứu trước, phương tiện kỹ thuật không đồng bộ, chưa có lực lượng dự bị chiến lược mạnh, các đơn vị thông tin các quân đoàn 3, 4 mới hình thành cần phải bổ sung, củng cố.

Trước tình hình trên, Bộ Tư lệnh Thông tin đã chủ động nhanh chóng chuyển hướng chỉ đạo: huy động mọi lực lượng, mọi khả năng cho chiến trường, kết hợp khéo léo các phương tiện kỹ thuật thông tin cho phù hợp với tính chất tác chiến và yêu cầu chỉ huy nên đã bảo đảm tốt thông tin cho từng giai đoạn của chiến dịch. Tuyến vô tuyến tiếp sức dài 700km từ Quảng Trị đến Buôn Ma Thuột bảo đảm cho Đoàn 559 và 2 sư đoàn xe hành quân đến vị trí chiến đấu an toàn.

Ngày 7 tháng 4 năm 1975, Bộ Tư lệnh Thông tin giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 4 Tiếp sức hành quân chi viện cho chiến trường. Ngày 29 tháng 4 liên lạc bằng vô tuyến tiếp sức từ Bộ Tổng Tham mưu đến Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh đã được thực hiện qua các trạm tiếp sức Bù Cho đến Bu Prăng với cự ly 1.150km. Đây cũng là tuyến thông tin bảo đảm cho cánh quân phía Đông liên lạc với Sở chỉ huy Chiến dịch. Tiểu đoàn 1 thông tin hỗn hợp của Binh chủng ở Tây Nguyên, Tiểu đoàn 7 dây trần vào làm đường dây dã chiến từ Sở chỉ huy Chiến dịch đến Quân đoàn 1. Thông tin quân bưu sau khi chuyển sang hành quân theo đường số 1 đã huy động các phương tiện cơ giới để chuyển công văn tài liệu từ Bộ đến các  đơn vị theo sự phát triển của kế hoạch tổng tiến công. Cũng trong thời gian này, Bộ Tư lệnh Thông tin còn điều động hàng trăm cán bộ và 800 chiến sĩ mới được bổ sung tổ chức thành nhiều đoàn, đội để tiếp quản hệ thống thông tin của địch đưa vào khai thác. Ngoài ra, các đơn vị thông tin của các quân đoàn 1, 2, 3, 4 cũng được khẩn trương củng cố, bổ sung, kết hợp nhiều loại phương tiện, khí tài bảo đảm cho giai đoạn hành quân chiếm lĩnh vị trí tập kết theo yêu cầu của chiến dịch.

Để chỉ huy điều hành thông tin, cơ quan thông tin Chiến dịchHồ Chí Minh được hình thành từ đầu tháng 4 năm 1975 lấy cơ quan thông tin B2 và cơ quan thông tin tiền phương của Bộ làm cơ sở.

Nhiệm vụ của thông tin trong Chiến dịch Hồ Chí Minh: Bảo đảm thông tin liên lạc chỉ huy 4 quân đoàn 1, 2, 3, 4 và Đoàn 232, Sư đoàn 8 của Quân khu 9 phối hợp với các lực lượng vũ trang tại chỗ đánh vào thành phố. Ngoài ra, bảo đảm thông tin chỉ huy vượt cấp các sư đoàn thọc sâu 320, 304, 10, 7, 9, Lữ đoàn xe tăng 205 và các đơn vị cao xạ, tên lửa phòng không trên hướng chủ yếu của chiến dịch.

Chỉ trong một thời gian ngắn, với tinh thần dũng cảm kiên cường, mưu trí sáng tạo của Bộ đội Thông tin chiến dịch, đến 16 giờ ngày 26 tháng 4 năm 1975 toàn bộ hệ thống thông tin của Bộ chỉ huy Chiến dịch đã triển khai xong. Thông tin thông suốt trước thời gian quy định. Cùng ngày 26 tháng 4 các cánh quân chủ lực đã tập kết đúng địa điểm và thời gian quy định. 11 giờ ngày 24 tháng 4, Đại đội 5 Tiểu đoàn 77 đã chuyển kịp thời bức điện Mệnh lệnh tiến công vào Sài Gòn của Bộ Chính trị tới Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Từ ngày 28 tháng 4 Bộ đội Thông tin liên lạc đã cùng các cánh quân của ta đồng loạt tiến vào Sài Gòn, dinh lũy cuối cùng của bọn tay sai bán nước.

Đúng 10 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975 Trung tâm thông tin vô tuyến điện Bộ Quốc phòng đã kịp thời chuyển cho 3 đài phục vụ trực tiếp Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh nội dung bức điện của Bộ Chính trị: Bắt tổng thống ngụy Dương Văn Minh đầu hàng không điều kiện.

11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, quân ta đã cắm cờ cách mạng trên dinh tổng thống ngụy Sài Gòn. Qua đài vô tuyến tiếp sức, đồng chí Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng kiêm Tư lệnh Chiến dịch đã báo cáo với Bộ Chính trị và Bộ Tổng tư lệnh: Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh, được sự giúp đỡ của các quân khu, quân đoàn, binh chủng bạn; với tinh thần anh dũng chiến đấu không sợ hy sinh gian khổ, đoàn kết nhất trí, hiệp đồng chặt chẽ, mưu trí sáng tạo, Binh chủng Thông tin đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Chiến công trên đánh dấu bước phát triển quan trọng về lực lượng, tổ chức, trang bị và nghệ thuật tác chiến của Bộ đội Thông tin.

Với những chiến công trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, ngày 31 tháng 5 năm 1976, Binh chủng Thông tin liên lạc đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang  nhân dân. Đây là niềm vinh dự tự hào lớn lao đối với Bộ đội Thông tin liên lạc nói chung.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”) 

0 comments:

Đăng nhận xét