17.1.25

Bộ đội Thông tin trên tuyến Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh những năm đánh Mỹ

Đại tá Phạm Đình Phong - nguyên Lữ đoàn phó Chính trị Lữ đoàn 596

Núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, từ xưa đã được coi là thế tựa của muôn đời! "Trường Sơn nhất đái vạn đại dung thân".

Đường Hồ Chí Minh chạy dọc dãy Trường Sơn là một mắt xích hết sức trọng yếu trong toàn bộ hệ thống chi viện chiến lược của mặt trận chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của ba nước Đông Dương.

Suốt 16 năm ròng, lớp lớp những người con của dân tộc khắp miền Tổ quốc đã sống và chiến đấu trên tuyến đường mang tên Bác Hồ vĩ đại.

Khi Hiệp định Giơ-ne-vơ bị Mỹ - Diệm phá hoại toàn diện, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc ta đã đứng lên quyết chấp nhận một cuộc đọ sức mới cực kỳ nghiêm trọng.

Ngày 19 tháng 5 năm 1959, tuyến vận tải quân sự chiến lược đường Hồ Chí Minh được thành lập với nhiệm vụ đảm bảo cơ động lực lượng và đưa đón cán bộ vào, ra cả ba chiến trường mà đường Hồ Chí Minh cũng là một chiến trường lớn!

Do vị trí hết sức lợi hại của tuyến đường nên đế quốc Mỹ và bọn tay sai cả ba nước (Việt - Lào - Cam-pu-chia) đã tìm trăm phương, ngàn kế để đánh phá ngăn chặn.

Cuộc chiến đấu giữa ngăn chặn và chống ngăn chặn trên đường Hồ Chí Minh đã diễn ra ngày càng quyết liệt: không quân đủ loại, bộ binh đủ quy mô, thủ đoạn đầy nham hiểm, với 4 triệu tấn bom đạn đã trút xuống tuyến đường, núi rừng Trường Sơn ngày đêm rung chuyển, đất đá bị cày xới, cỏ cây bị thiêu trụi. Đế quốc Mỹ tưởng rằng sẽ chặn đứng được sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam và các chiến trường nước bạn, nhưng kết quả đã không theo ý tưởng: phía chống ngăn chặn đã đè bẹp kẻ đi ngăn chặn và chiến thắng lẫy lừng!

Với chân lý sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một", "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" cả nước đã đứng lên "Tất cả cho chiến trường, tất cả để chiến thắng" với khí thế hào hùng như trào dâng thác đổ, quyết đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Từ trong sức mạnh đó, tuyến vận tải quân sự chiến lược đường Hồ Chí Minh với 500 chiến sĩ ban đầu, tiến vào Trường Sơn mở đường, lập trạm, quân đi tính từng ngày, hàng chuyển tính từng cân, đã từng bước phát triển lớn mạnh, thực sự trở thành một chiến trường tổng hợp, hiệp đồng binh chủng trên quy mô lớn, đánh địch mà đi, mở đường mà tiến, luôn luôn chủ động đáp ứng sự phát triển mạnh của các hướng chiến trường.

Trong cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ địch, cán bộ, chiến sĩ trên đường Hồ Chí Minh nói chung và bộ đội thông tin nói riêng luôn luôn nắm vững tư tưởng cách mạng tiến công, nắm vững phương châm: bám tuyến, bám đường, chủ động, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, không hề chùn bước trước khó khăn ác liệt nào, người trước ngã xuống, người sau tiến lên, cả Trường Sơn sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Binh chủng nào, đơn vị nào cũng lập nên sự tích anh hùng, con đường nào, trọng điểm nào cũng là những mảnh đất thiêng liêng rực lửa.

Lực lượng thông tin liên lạc trên tuyến đường 559 cũng đã có mặt ngay từ ngày đầu thành lập Đoàn với những đài vô tuyến điện báo độc lập, phục vụ cho Tiểu đoàn 301, giao liên rồi Trung đoàn 70, 71 vận tải gửi thư liên lạc. Đến cuối năm 1964, toàn tuyến mới có: 12 bộ đài 15W, 37 bộ đài 2W, 2 tổng đài 10 số, 43 máy điện thoại với hơn 40km dây bọc.

Tháng 4 năm 1965, theo chủ trương của ta mới bắt đầu mở rộng tuyến vận chuyển từ thô sơ lên cơ giới, lực lượng thông tin cũng từ đây bắt đầu phát triển mạnh. Để đáp ứng kịp với yêu cầu vận chuyển cơ giới, mùa khô 1966-1967 lực lượng thông tin triển khai đường trục dây trần tải ba đến Binh trạm 1, Binh trạm 2 và Đường 9 - Nam Lào.

Cũng từ đây trên tuyến vận tải cơ giới đã hình thành những trọng điểm đánh phá của không quân địch. Lực lượng thông tin gặp muôn vàn khó khăn, ác liệt để xây dựng và bảo vệ tuyến đường dây dài theo đường vận chuyển cơ giới.

Đã triển khai xây dựng đường trục hữu tuyến tải ba dài 1.250km (tổng chiều dài các năm sau này lên đến 4.241km trong đó gồm: 2.961km dây CS (lưỡng kim); 1.550km dây sắt; 386km cáp (cao tần).

Nằm trên 153 trạm canh dây và 20 trạm cơ vụ với 68 đầu tải ba 1 kênh, 22 đầu tải ba 12 kênh và 4 đầu tải ba 6 kênh.

Tất cả tuyến dây, trạm canh dây và 20 trạm cơ vụ đều phải bám lấy trục vận chuyển cơ giới, các kho tàng để phục vụ đắc lực cho chỉ huy các cấp vì vậy phải qua các trọng điểm đánh phá vô cùng ác liệt của không quân địch ngày đêm không ngớt như:

- Trọng điểm ATP cửa khẩu đường 20.

- Trọng điểm ngã ba Lằng Khằng, Pha Nốp, Seng Phan, cửa khẩu đường 12.

- Trọng điểm ngã ba Lùm Bùm, đèo Văng Mu.

- Trọng điểm đèo Tha Mé, dốc Ông Tời.

- Trọng điểm đèo Lục Tùng Bế, đèo Sông Bạc.

- Trọng điểm đèo Cô Tiên, dốc Con Mèo đường 45, v.v... là những trọng điểm đã đi vào lịch sử của tuyến đường.

Tại các trọng điểm, lực lượng thông tin đã chốt đường dây với trạm canh dây, trạm cơ vụ ngay từ ngày đầu xây dựng, từ khi rừng còn xanh, suối còn trong vắt. Đến khi rừng trút hết lá vì chất độc da cam; suối đục đổi dòng vì bom đạn địch, lực lượng thông tin vẫn kiên cường bám trụ giữ vững thông tin cho cả chiến trường.

Để kịp thời bảo đảm cho trận mở màn đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột (Xuân 1975) chỉ trong một tháng một bộ phận lực lượng của Trung đoàn dây trần 596 và Trung đoàn 49 đã xây dựng xong 200km dây trần và dây cáp từ Plây Khốc đến tuyến sông Xêrêpốc kịp ngày nổ súng, phục vụ đắc lực cho giải phóng Tây Nguyên.

Sau 16 năm bảo đảm thông tin trên tuyến đường mang tên Bác Hồ, lực lượng thông tin đã được Nhà nước tuyên dương 3 đơn vị danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đó là:

- Tiểu đoàn 133 (thông tin dây trần) Trung đoàn 596.

- Đại đội 1 Tiểu đoàn 36 Trung đoàn 596.

- Đại đội 3 Tiểu đoàn 326 Trung đoàn 49.

Một cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đó là đồng chí Hồ Đức Tự - Trung đội phó thông tin thuộc Đại đội 5 Tiểu đoàn 133 Trung đoàn 596.

Đến nay, chiến tranh đã qua đi hơn 30 năm nhưng những đóng góp vô cùng to lớn của Bộ đội Trường Sơn vào công cuộc chi viện cho các chiến trường sẽ mãi mãi ghi vào trang sử oanh liệt của dân tộc ta, của quân đội ta như một thiên anh hùng ca bất diệt! Lực lượng thông tin trên tuyến đường Hồ Chí Minh rất tự hào đã góp phần giữ vững và phát huy truyền thống của Binh chủng Thông tin Anh hùng.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”) 

0 comments:

Đăng nhận xét