25.1.25

Trường Thông tin Mậu Thân ở Công trường 9*

Nguyễn Văn Lượng - nguyên cán bộ huấn luyện Công trường 9

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân dân ta cuối năm 1967 diễn ra quyết liệt khắp nơi, đẩy địch vào thế bị động trên chiến trường và bị cô lập trên trường quốc tế.

Trước tình hình đó, sau trận tiêu diệt chi khu Lộc Ninh Ban chỉ huy Công trường chỉ thị cho anh Năm Thụ (Lê Danh Thụ) đề đạt phòng 3 về kế hoạch đào tạo thông tin theo hướng Công trường tự lực cùng sự hỗ trợ của trên để kịp bổ sung cho chiến trường. Lúc đó, tôi đang ở Trung đoàn 3 (Q763) cũng được cho đi điều dưỡng 30 ngày rồi về nhận nhiệm vụ mới.

Tầm quan trọng của Xuân Mậu Thân lúc đó chẳng ai biết được. Nhưng qua nhận việc là nhanh chóng đào tạo chiến sĩ 3 phân khoa để phục vụ chiến trường thì chúng tôi cũng đoán biết được phần nào. Khi chiến dịch mở ra rầm rộ thì chúng tôi mới hiểu hết ý nghĩa của việc đào tạo cấp tốc đó.

Nhớ ngày xuất phát ở Nha Thức, khi toàn Công trường rầm rập xuống đường thì chúng tôi thúc nhau lên biên giới cũng sôi nổi không kém mà ngược lại nên đôi lúc cũng có chút suy tư... nhưng rồi cũng nhận ra "Tất cả vì Mậu Thân" nên đều vui vẻ sang phần đất bạn cạnh ngọn sông Sài Gòn khu Móc Câu (Mỹ gọi là "mỏm Ken-nơ-đi) để học tập.

Khung nhà trường lúc đó vẻn vẹn chỉ có 8 người nên chia nhau ra gánh việc: tôi lo 2 môn vô tuyến điện (báo và thoại), đồng chí chính trị viên Khổng Khoe lo lý thuyết và thực hành thông báo, đồng chí đội phó Thủy phụ trách 2 môn hữu tuyến điện, thông tin vận động, vừa tham mưu xử lý tình hình địch, anh Chất phụ trách hậu cần và bố trí phòng vệ, 2 tiểu đội trưởng trợ giáo viên kiêm chỉ huy đánh địch ở 2 hướng còn lính là học viên, anh nuôi Côi tiếp phẩm cải thiện vòng ngoài vừa nghe ngóng động tĩnh, y tá vừa lo chuyên môn vừa lo liên lạc.

Học viên khóa I có 17 báo vụ, 10 bộ đàm, 9 điện thoại, 10 vận động, khí tài vừa đủ tập luyện theo nền nếp dã chiến. Thời gian khóa học bắt đầu từ tháng 1 năm 1968 kết thúc vào tháng 6 năm 1968. Lớp học nằm gần quốc lộ 13 nên luôn bị ảnh hưởng. Bọn thám kích Bình Long, Lộc Ninh rình rập, L19, HU1A dòm ngó suốt ngày, bọn rình đêm có tia hồng ngoại, C47 gây trở ngại không ít. Vị trí các đài luôn thay đổi, kèm theo hạn chế công suất và thời gian phát sóng nhưng không tránh khỏi những trận phi pháo phủ đầu cùng những loạt rốc-két dò hỏi... Cái điệp khúc "học - ngưng - học" là bình thường. Với tinh thần vì phía trước, vì chiến trường, chúng tôi luyện tập bất kể ngày đêm cuối cùng đến cuối tháng 6 ấy có 46 tân binh ra trường về đơn vị phục vụ chiến đấu tốt.

Từ cuối năm 1968 đến đầu năm 1970, cục diện sau Mậu Thân đổi khác, chiến sự kéo sang đất Cam-pu-chia, các đơn vị bung xa nên chỉ huy chỉ đạo bằng 15W là chính. Công trường giao cho chúng tôi chỉ duy nhất có nhiệm vụ đào tạo báo vụ. Trong lúc học viên trước đã về hết còn khóa sau chưa đủ thì có một sự kiện khó quên đã xảy ra với chúng tôi. Đó là khi chúng tôi vừa bàn kế hoạch chuyển quân thì được lệnh nhanh chóng rời xa địa điểm cũ để tránh B-52. Vậy là chúng tôi phải tháo gỡ gồng gánh đi đến nửa đêm hôm sau mới đến chỗ mới. Đó là vùng Sóc Lam - Mi Mốt, cách địa điểm cũ hơn 15km. Ngay chiều hôm đó, tốp máy bay B-52 đầu tiên trút bom ngay địa điểm cũ, mở màn trận hủy diệt Móc Câu. Suốt 4 ngày đêm liền bừa đi tát lại, nên "mỏm Ken-nơ-đi" tan tác chẳng khác gì trên đất Củ Chi buộc trường phải chuyển về phía tây Tây Ninh (Vàm Xa Mách). Ở đây học được ba tháng thì biệt kích, phi pháo tăng lên theo kế hoạch "đẩy Việt Cộng sang bên kia biên giới" nên một lần nữa vượt sông Lò Gò đất bạn vùng Sếp Ba - Ông Tà giữa 2 huyện Căngchơrếc và Kôngchêymia tiếp tục 2 khóa báo vụ sau và hoàn tất kế hoạch vào tháng 4 năm 1970. Đây cũng chính là thời điểm hoàn thành "sứ mệnh" của trường ở đó và trở về phục vụ trong tình hình mới đang và sắp diễn ra của những tháng đầu năm 1970 đáng nhớ.

Như vậy Trường Thông tin Mậu Thân Công trường 9 hình thành và kết thúc theo tình thế. Tuy thời gian không dài (1/1968 – 4/1970) nhưng trường đã đào tạo được 57 báo vụ, 10 bộ đàm, 9 điện thoại, 10 thông tin vận động. Tuy là con số nhỏ nhưng ý nghĩa lại lớn vì nó đáp ứng kịp thời cho đơn vị chủ lực trên chiến trường then chốt ở thời điểm lịch sử. Nó đã thể hiện ý chí tự lực tự cường và khắc phục khó khăn tột bực mà không bom đạn nào ngăn cản được. Đó chính là bản chất truyền thống của Binh chủng Thông tin Anh hùng trong lực lượng Quân đội nhân dân anh hùng chúng ta.

Giờ đây bản chất truyền thống đó được ghi lại và lưu giữ vào cuốn lưu niệm Bộ đội Thông tin Quân giải phóng miền Nam Việt Nam để làm bài học cho hôm nay và cho cả mai sau.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”)

----------------------------------------

* Công trường 9 là mật danh của Sư đoàn bộ binh 9. 

0 comments:

Đăng nhận xét