13.1.25

Lớp đào tạo báo vụ vô tuyến điện 15W tại Đầm Sen - Tháp Mười

Tôn Văn Đe (tức Mười Đe)

Tháng 2 năm 1961, tôi lên đường trở về miền Nam chiến đấu. Vượt qua biết bao gian khó tôi đã về tới miền Nam. Lúc đầu tôi ở miền Đông. Nhưng sau đó tôi được Phòng Thông tin giao nhiệm vụ phụ trách huấn luyện lớp vô tuyến điện 15W đầu tiên của Quân giải phóng miền Nam là Lý Tự Trọng 2 (đây là Trường Vô tuyến điện của Xứ ủy, sau là Trung ương Cục miền Nam bàn giao; Lý Tự Trọng 1 đã ra đời, Lý Tự Trọng 2 đang tập thu phát báo do anh Hai Tiến phụ trách và giao lại).

Trong tình hình miền Nam bị chia cắt, giặc đóng như bủa lưới tứ quanh mà Xứ ủy vẫn mở được trường vô tuyến điện.

Đầu năm 1962, lớp học được mở thành công tốt đẹp, 24 gương mặt trẻ tương lai của bộ đội thông tin Quân giải phóng miền Nam hăng hái lên đường làm nhiệm vụ.

Đến năm 1964, Phòng Thông tin R đưa tôi về Quân khu (T2) để mở Trường Vô tuyến điện 15W tại Đầm Sen – nơi mà kẻ thù vây ráp quanh.

Không nhớ rõ lúc ấy là tháng mấy, tôi cùng với đồng chí Răng lội bộ đến sông Vàm Cỏ Đông, sau đó giao liên đưa chúng tôi xuôi dòng đến Vàm Cỏ Tây rồi đi bằng xuồng đến Cái Bè - nơi đây giặc tát hết dân chỉ còn làng trống, nhà không người. Giao liên đưa tôi vượt sông Cửu Long bằng ghe tam bản đặt máy Cole. Trên sông này xuồng ghe tấp nập và là nơi tàu binh Mỹ nối đuôi nhau đi tuần tra thường xuyên liên tục. Lúc này, tôi thấy bên kia sông có xuồng câu tôm đốt đèn đỏ dăng dăng dài theo mé sông, ghe của tôi chạy lại gần xuồng câu tôm. Sao lạ quá? Tôi tự đặt câu hỏi, chẳng lẽ... mắt tôi chăm chăm theo dõi, đầu óc chuẩn bị cách đối phó. Tôi đang chờ đợi xem việc gì xảy ra. Rồi thuyền tam bản của giao liên cặp sát xuồng câu tôm, bên xuồng câu tôm có tiếng nói nho nhỏ "lính nằm đường". Tôi thấy đồng chí giao liên cho máy đảo thật lẹ, quay trở lại phá tan mối nghi ngờ trong lòng tôi. Thật "qua sông bạc đầu, qua cầu giảm kỹ". Hai tuần lễ sau tôi mới qua được sông và sau đó qua lộ đi xuồng qua đồng cỏ Long An đến Đầm Sen - Tháp Mười. Tôi về ở trong một ngôi nhà sàn nhỏ cạnh con kênh nhỏ cặp kênh Hòa Bình. Ở đó, tôi gặp lại anh Khách, anh Năm trợ giáo, lúc tôi huấn luyện lớp vô tuyến điện 15W vượt Trường Sơn năm 1960 ở miền Bắc.

Ba ngày sau Ban thông tin đưa tôi đến ở chung với anh Hải trong một ngôi nhà sàn lớn cất xen kẽ với nhà dân nằm theo tuyến kênh này, ở chung còn có đồng chí Hữu đã học lớp tôi dạy năm 1962 ở miền Đông, một đồng chí bảo vệ và một nữ cứu thương.

Nhận nhiệm vụ, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm lo mở trường huấn luyện đào tạo lớp vô tuyến điện 15W với 36 học viên. Ban thông tin chỉ giao nhiệm vụ như vậy chứ không cụ thể gì về nội dung, kế hoạch, phương hướng, thời gian kể cả tài liệu học tập nữa. Tôi phải chuẩn bị mọi thứ trước khi khai giảng lớp học. Xác định nhiệm vụkhá nặng nề nên tôi tập trung mọi khả năng trí tuệ vào việc chuẩn bị. Một câu hỏi luôn thường trực trong đầu của tôi: làm thế nào để mở lớp vô tuyến điện giữa Đầm Sen - mà tránh được sự kiểm soát khống chế của kẻ thù để lớp học được bảo toàn? Tôi bắt tay vào công việc chuẩn bị cho lớp học vì khâu này rất quan trọng, nó quyết định sự thành bại của lớp học. Lúc này, lớp học có trên 10 học viên, được cấp 3 cái xuồng bè 10 thước. Chúng tôi chuẩn bị cất nhà (chỉ là những cái chòi). Đến nơi được mấy ngày, cấp trên đưa anh Xê - Chính trị viên đại đội bộ binh về phụ trách Bí thư Chi bộ và Chính trị nhưng anh hoàn toàn không biết gì về thông tin mà còn bị bệnh lao nên thường ở nhà.

Công việc bắt đầu là xây cất nhà cho học viên. Nhà được dựng theo lùm và gốc me keo mà bìm bìm bò phủ kín với vật liệu xây cất lá chằm cặp nẹp tre đóng thành hai miếng rèm rồi bưng lùm lên cặm cây gác rèm thành nhà ở. Nhà này có tính chất cơ động khi cần thì xếp rèm lại. Mỗi nhà ở một tổ, nhà nào rộng thì ở 2 tổ, ngủ trên sạp tre. Hội trường cất giữa đám me keo ngoài đồng trống (hình như gò này trước có một nhà dân ở lâu lắm rồi, họ trồng me ke giáp chung quanh có tán lớn) bìm bìm bò kín khó lộ. Hội trường làm 6 bàn mỗi bàn 6 chỗ gắn 6 cái maníp (để đánh tín hiệu morse) và đấu mạng dây để tập liên lạc.

Vật liệu, dụng cụ học tập do Ban đưa đến. Việc chuẩn bị huấn luyện và cơ sở vật chất đã căn bản hoàn thành. Vì vậy Ban quyết định khai giảng lớp học.

Tôi được giao phụ trách đại đội, phó bí thư chi bộ; anh Chín Hà làm cán bộ Trung đội quản sinh. Sau đó, mới có một cuộc họp chi bộ đầu tiên ra nghị quyết lãnh đạo toàn diện của trường. Học viên phấn khởi học tập rất tốt. Để đạt kết quả học tập cao, tôi tổ chức bồi dưỡng khả năng chỉ huy lãnh đạo cho cán bộ tiểu đội và xác định trách nhiệm; bố trí học viên giỏi giúp đỡ học viên yếu và tổ chức bồi dưỡng học viên yếu ngay từ đầu. Anh em học rất say mê, có đồng chí bị ghẻ ngứa đầy mình nhưng vẫn ngồi tập thu, lỗ tai nghe, tay viết, tay gãi ghẻ ngứa mà vẫn học giỏi. Hết năm 1964, trường ăn Tết tại đây.

Qua Tết, cảnh vật xơ xác, đồng ruộng ao mương khô nẻ. Còn giặc thì tăng cường càn quét dồn dân. Vì vậy, trường chuẩn bị rút theo hướng tập trung ra mé sông giáp Cam-pu-chia, nếu giặc có càn vào thì vượt sông qua đất bạn.

Hết thời gian thực tập trên máy, học viên trở về hội trường ôn luyện chuẩn bị cho kiểm tra cuối khóa. Lúc này nước đầy đồng, mỗi học viên lòng đầy phấn khởi bước vào giai đoạn quyết định của việc học tập nhiều tháng qua. Trường đang sôi nổi bước vào giai đoạn chót thì Mỹ - ngụy mở trận càn theo sông Tân Binh (sông giáp biên giới) chặn bên đất Cam-pu-chia; trên trời máy bay khống chế, dưới đất bộ binh tràn vào. Bọn chúng đã bắt được anh Tương.

Địch kết thúc trận càn, rút quân thì lớp học lại tiếp tục. Đến giai đoạn kiểm tra kết quả cuối khóa, học viên đều đạt từ khá đến giỏi. Sau đó trường làm thủ tục bế giảng Anh Tiến, cán bộ trung đội được Ban giao nhiệm vụ gấp rút điều toàn bộ học viên trở về đơn vị nhận nhiệm vụ. Khi còn học ở trường anh Tiến có ước mong là khi mãn khóa học thì xin phép trở về làm lễ thành hôn với người yêu đang chờ ở quê. Thế nhưng khi anh đưa đoàn học viên vượt đồng hoang trống trải đến một cái gò lớn gần sát biên giới Cam-pu-chia trú ẩn thì trực thăng đến. Anh điều động đoàn học viên nhanh chóng tản hết ra xa gò nhưng anh bị trúng đạn từ trực thăng bắn xuống và đã hy sinh. Anh không thể thực hiện được nguyện vọng của mình và để cho người vợ sắp cưới biền biệt trông đợi!

Đến đây tôi nhớ lại những ngày đầu nhận nhiệm vụ mở lớp huấn luyện vô tuyến điện 15W tại Đầm Sen – Tháp Mười. Dưới sự lãnh đạo của Ban thông tin T2, nhà trường cùng với học viên nỗ lực phi thường, ra sức khắc phục mọi khó khăn, vượt qua nhiều gian lao nguy hiểm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Mùa sen 1965 nở hoa cũng là lúc lớp vô tuyến điện 15W kết thúc thắng lợi mà kẻ thù không ngờ tới.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”) 

0 comments:

Đăng nhận xét