2.1.25

Hồi ức về Tiểu đoàn 77 Thông tin tổng trạm của Bộ mới thành lập

Đại tá Phạm Khổng Giai - nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77

Ngày 28 tháng 2 năm 1958, Tiểu đoàn 77 được thành lập trực thuộc Cục Thông tin liên lạc. Nhiệm vụ chủ yếu của Tiểu đoàn 77 là tổ chức bảo đảm thông tin liên lạc chiến lược, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh.

Từ phụ trách Văn phòng Cục, tôi được điều về làm Tiểu đoàn trưởng, với quân hàm Đại úy, ở tuổi đời 35, tự tin, nhưng có phần lo lắng vì chỉ huy thông tin không đơn giản, chưa có mấy kinh nghiệm và còn ít hiểu biết về kỹ thuật, tự nhủ sẽ vừa làm vừa học, kinh nghiệm sẽ được tích lũy dần, rồi sẽ làm tốt nhiệm vụ như phần đông cán bộ lúc bấy giờ.

Cuối năm 1962, tôi được đi dự lớp bổ túc trung cấp thông tin 18 tháng tại Học viện Quân chính Bộ Quốc phòng, theo chương trình chính quy hóa, hiện đại hóa lực lượng vũ trang.

Thời gian ở cương vị chỉ huy Tiểu đoàn tuy ngắn ngủi nhưng để lại trong tôi những ấn tượng khó quên về nghề nghiệp và những tình cảm sâu sắc với đồng chí, đồng đội.

1. Bối cảnh chung.

1. Tiểu đoàn ra đời 4 năm sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đất nước đã cơ bản hoàn thành kế hoạch 3 năm khắc phục hậu quả chiến tranh và năm đầu quá độ chuẩn bị để thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961-1965 xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và xây dựng quân đội tiến lên chính quy, hiện đại. Hòa bình và sự viện trợ vô tư của các nước xã hội chủ nghĩa tạo những điều kiện thuận lợi để Binh chủng cải thiện trang thiết bị thông tin cả về số lượng, chất lượng và kinh nghiệm tổ chức quản lý, khai thác thông tin liên lạc tiên tiến, hiện đại.

Lúc này, mạng lưới thông tin liên lạc phòng thủ miền Bắc đã hình thành, tuy chưa vững chắc, hoàn chỉnh. Đường dây trần do quân đội xây dựng đã nối tới các quân khu, quân chủng, binh chủng, sư đoàn, đơn vị ở tuyến 1, lại tận dụng hệ thống đường dây của Bưu điện Đường sắt ở các hướng Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Nam Định, Hòa Bình - Sơn La... Quân bưu - Thông tin vận động thì khai thác triệt để phương tiện vận tải dân sự, chuyển giao công văn thường, thư từ, báo chí sang Bưu điện đảm nhiệm, giảm được quân số, xe cộ. Đã xây dựng xong khu thu, khu phát vô tuyến điện, trung tâm Sở chỉ huy thông tin, với những máy phát công suất 50W - 110W - 1.000W, máy thu độ nhạy cao, máy thu cao cấp. Bước đầu như vậy là thuận lợi, đặc biệt là tập hợp được cả 3 phương tiện thông tin cơ bản về một đầu mối chỉ huy.

Nhưng cũng tồn tại những mặt yếu:

+ Đường dây trần phần lớn xây dựng ở địa hình rừng núi, lắm chướng ngại, độ ẩm cao, cột xà bằng gỗ chưa tẩm phủ, thiết bị tải ba còn ít.

+ Vô tuyến điện các đài bạn ở chiến trường chủ yếu là công suất nhỏ, làm ở địa hình phức tạp, truyền sóng về đêm rất yếu.

+ Cán bộ phần lớn chưa qua trường, chỉ huy thiếu bài bản.

2. Hòa bình chưa được bao lâu, thì địch phá hoại những điều khoản cơ bản của hiệp định. Miền Nam chuyển sang đấu tranh vũ trang theo Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng (5-61). Bên nước bạn Lào thì Chính phủ Vương quốc bao vây 2 tiểu đoàn Pa-thét (5-59), rồi Koong-le làm đảo chính (1-61), cách mạng cũng chuyển hướng.

Khối lượng công việc thông tin với chiến trường tăng vọt lên. Ở Lào, ngoài việc giúp bạn còn thiết lập mạng thông tin liên lạc chỉ huy quân tình nguyện. Trong khi ở miền Bắc vẫn phải khai thác tối đa hữu tuyến điện, quân bưu - thông tin vận động để bảo đảm bí mật, phần lớn diện mật đều chuyển qua hữu tuyến điện.

3. Vừa tổ chức bảo đảm thông tin liên lạc, vừa tiến hành xây dựng tổ chức biên chế theo hướng giảm đầu mối đơn vị, giảm quân số, lấy chất lượng là chính.

Đảng, Quân đội rất quan tâm đến việc xây dựng tiểu đoàn thông tin chiến lược này. Được ưu tiên bổ sung, lựa chọn những cán bộ, chiến sĩ với chất lượng chính trị trong sạch, sức khỏe tốt, có văn hóa và năng lực nghiệp vụ trong các đơn vị mới sáp nhập lại, vốn đã khá vững mạnh có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, công tác - Tiểu đoàn bỗng trở thành một "kho thượng sĩ", đồng thời phải giải quyết chính sách với hàng trăm cán bộ, chiến sĩ khác với chất lượng tương tự. Thật chẳng đơn giản chút nào, tuy rất tốt đấy nhưng anh em không khỏi bị tác động bởi tư tưởng hòa bình chủ nghĩa, với những suy nghĩ riêng tư về nhiệm vụ chuyển hướng, về cuộc sống đời thường sau nhiều năm gian khổ chiến đấu.

Rồi tình hình cách mạng phát triển, lực lượng quân số tăng lên, "kho thượng sĩ" được giải tỏa, lính chuyên nghiệp được phá ngạch. Tiểu đoàn đã cung cấp khá nhiều cán bộ cho công cuộc xây dựng lực lượng thông tin toàn quân và chiến trường. Sau này có nhiều đồng chí trưởng thành nhanh, giữ những cương vị chủ chốt thông tin cấp trung đoàn, sư đoàn và cao hơn nữa.

2. Những tháng ngày sôi động.

Đầu những năm 1960, 1961, cuộc đấu tranh ở miền Nam và nước bạn Lào trở nên khẩn trương, sôi động. Ở những bước ngoặt lịch sử, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương với chiến trường thật sát sao, bức bách. Khối lượng công việc tăng lên đột ngột, trung bình là 300 điện/ngày và 80% là tối khẩn, dịch ngay, kéo dài cả tháng. Chúng tôi đã xử lý ra sao? Bằng biện pháp nào?

Ai cũng biết, với chiến trường muốn liên lạc duy nhất chỉ có phương tiện vô tuyến điện. Vậy hãy phát huy chỗ mạnh vốn có của trung tâm thông tin và hỗ trợ nhiều nhất những khả năng có thể cho bạn. Ta đã dùng máy công suất lớn để phát điện; bố trí đài canh liên tục với từng hướng - có khi là 2 máy với đơn vị trọng điểm; huy động cả đội kiểm soát vô tuyến điện với những báo vụ già, rất giỏi như bác Môn, bác Thính hỗ trợ cho thu canh; chuyến điện qua đường vòng và yêu cầu báo nhận sớm nhất ở những đơn vị liên lạc vượt cấp; bố trí đài trung gian tiếp chuyển ở Quảng Bình, rút ngắn cự ly liên lạc, tăng khả năng liên lạc thông suốt; huy động báo vụ giỏi làm tăng ca, tăng kíp, kể cả những cán bộ trung đội, đại đội như anh Ngọc, anh Duyện, bắt tay trực tiếp vào làm việc ở những trường hợp khó khăn, nửa đêm về sáng, tín hiệu nghe rất nhỏ, chúng ta đã ưu tiên cho đài bạn phát điện trước dù ở độ khẩn thấp hơn. Về phần hiệp đồng, giữa tác chiến, cơ yếu, thông tin được nâng lên với những quy định chặt chẽ về nguyên tắc và việc thực thi hàng ngày trên tinh thần tất cả vì chiến thắng chung. Đã thiết lập đường dây nóng giữa 3 cơ quan để kịp thời giải quyết công việc. Tác chiến thông báo trước sẽ có điện quan trọng gửi cho đơn vị X, hãy cố gắng bắt liên lạc, đôi khi còn cho biết cả tinh thần nội dung điện nhưng vẫn giữ được bí mật nhằm động viên nỗ lực của báo vụ. Cơ yếu cho biết có loạt điện mới xếp thứ tự từ A – Z gồm mấy bản, để kéo dài giờ liên lạc với đài bạn, chờ mã dịch điện... Thông tin thì cung cấp đủ cho tác chiến, cơ yếu rõ tổ chức mạng cấp dưới, phiên ca, giờ giấc làm việc, gửi điện cho khớp, tránh những thời điểm liên lạc khó khăn về đêm. Rồi từng thời gian nhất định, họp lại cùng nhau kiểm điểm đánh giá, tìm ra ưu khuyết điểm và trách nhiệm thuộc về ai. Cách làm này đã giúp ta hiểu hơn trình độ báo vụ vì: Cơ yếu cho biết độ chính xác của điện thu; chất lượng, khả năng bảo đảm thông tin liên lạc khi tác chiến thông báo có điện chuyển kéo dài sang phiên sau nhưng vẫn không mất thời gian tính... Chúng ta đã tích cực chấn chỉnh nền nếp làm việc của trạm thu phát công điện để có thể nhận, chuyển nhanh nhất, đúng trình tự và chính xác nhất điện thu phát tới 3 cơ quan trên, không kể ngày hay đêm, không đợi có nhiều điện mới chuyển cho tiện chuyến. Giống như con thoi qua lại, cần mẫn, khẩn trương, tốn nhiều sức nhưng được việc. Không thể xem nhẹ khâu này, giản đơn nhưng nhiều hiệu quả, nhất là tính nhanh chóng của thông tin liên lạc.

Còn trên chiến trường miền Bắc? Lãnh đạo chỉ huy cấp trên yêu cầu phấn đấu giữ bí mật liên lạc thông tin ở mức cao nhất có thể nên bắt buộc phải tận dụng mạng dây trần đường dài để thông thoại và chuyển điện. Nếu là văn kiện dài độ mật cao thì chuyển bằng đường quân bưu – thông tin vận động. Tuy thuận lợi hơn liên lạc với chiến trường, nhưng mỗi phương tiện có đặc điểm riêng và cái khó của nó. Hữu tuyến điện dây trần phần lớn triển khai ở địa hình rừng núi, làm thế nào để giữ liên tục thông suốt ngày đêm. Thông tin vận động với số xe gắn máy có hạn: 6 xe 3 bánh + 6 xe 2 bánh; đường sá xấu, sao đủ sức với tới nhiều đầu mối lớn, đơn vị tuyến 1, không thể chậm trễ so với thời gian quy định. Nêu những khó khăn trên là để tìm biện pháp khắc phục, không mảy may làm nhụt nhuệ khí của cán bộ, chiến sĩ. Thực tế là toàn Đảng bộ, đơn vị quyết tâm bằng mọi giá, giữ vững thông tin liên lạc hữu tuyến điện với hiệu suất khai thác cao nhất liên tục thông suốt ngày đêm; phải bảo quản xe cộ thật tốt, nâng cao kỹ thuật lái, sẵn sàng chiến đấu cao nhất, có lệnh là lên đường được ngay, đi tới đích an toàn, vượt thời gian quy định...

Được sự quan tâm của Cục Thông tin liên lạc như từng bước sửa chữa lớn, nâng cao chất lượng đường dây bằng cột sắt, bê tông; cung cấp xe đạp, đèn pin..., bản thân đơn vị đã nỗ lực phấn đấu biến quyết tâm thành kết quả hiện thực. Từ tổng đài trung tâm đến các trạm cơ vụ, các tổ bảo vệ đường dây đã nhất tề, đồng loạt hành động. Anh em đã kiểm tra, tu sửa từng đường dây nhập đài, các máy lẻ, máy tải ba, các mối hàn, chất lượng tiếp xúc... và trọng điểm là các tuyến đường dây trải dài đi các hướng, gặp rất nhiều sự cố. Anh em đã đều đặn hàng ngày kiểm tra phát tuyến thay xà cột, sứ vỡ, phá các ổ nhện giăng, hàn lại mối nối... Phát tuyến cho quang sạch, không để cây que va chạm vào dây, giảm những trở ngại khi phải cơ động về đêm sửa chữa hư hỏng. Việc này thật gian khổ, tốn nhiều sức lực, vì cây, dây leo mọc rất nhanh, có khi làm sạch độ dài cây số quy định, quay trở lại, đã thấy phải phát lại như lúc ban đầu. Địa hình thì rất phức tạp: nhiều đèo cao, dốc đứng sông sâu, lúc nắng như đổ lửa, lúc rét thấu xương, khi ngập lụt tràn bờ... Đã vậy ăn uống rất đạm bạc, quần áo thì rách nát do lao động nặng nhọc, thuốc men chống sốt rét không đủ... Nhưng với tinh thần "coi dây như ruột, coi cột như xương", dù gian nan, vất vả, vẫn bảo đảm số ngày công lên đường cao nhất. Đường dây quang sạch cùng với việc quản lý tốt các trạm cơ vụ, cả về chế độ và kỹ thuật đã thiết thực nâng cao chất lượng thông tin trên toàn tuyến, hiệu suất khai thác ngày một tăng. Hư hỏng về đêm không còn là trở ngại lớn. Khi có sự cố, nhanh chóng phán đoán được vị trí có thể, để tiếp cận tu sửa, nên phần lớn được sửa chữa đúng như chỉ tiêu quy định: không quá 3 giờ gián đoạn. Cá biệt có tổ bảo vệ như Nam Đàn trong mấy tháng liền không để đường dây hư hỏng. Và C2, đại đội bảo vệ đường dây phía Nam, do đồng chí Lộ làm đại đội trưởng, đồng chí Quyển - chính trị viên, năm 1960 đã giành cờ "Ba nhất" đầu tiên của phong trào thi đua toàn quân vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, chăm lo tốt việc cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, tổ chức huấn luyện cho dân quân nơi đóng quân về bảo vệ đường dây, làm tốt công tác dân vận...

Về quân bưu thông tin vận động, có thời gian, bưu điện đảm nhận việc chuyển nhận công văn thường, thư từ, báo chí, còn quân sự chuyên lo các công văn, văn kiện có độ mật cao hơn. Ta đã tập trung xây dựng trạm thu phát công văn, văn kiện và đội thông tin vận động trang bị xe gắn máy, để chuyển nhận công văn, văn kiện hoả tốc, hẹn giờ... và chuyên chở cán bộ tác chiến đi chuyển đạt mệnh lệnh. Việc điều hành, quản lý trạm thu phát công văn, văn kiện do đồng chí Chương phụ trách - khá nền nếp; các chiến sĩ thông tin vận động chăm lo bảo dưỡng xe cộ, nắm vững tuyến vận hành, rèn luyện tay lái vững, sử dụng đúng "thần bài hoả tốc" nên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đảm bảo tuyệt đối an toàn, bí mật, thời gian tính công văn, văn kiện các loại, được các cấp nhiều lần biểu dương, khen ngợi.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”) 

0 comments:

Đăng nhận xét