15.1.25

Thông tin Bến Tre tự lực lắp ráp, cải tiến và sửa chữa máy vô tuyến điện AN/PRC-25 của Mỹ để phục vụ thông tin liên lạc

Thiếu tá Trần Việt Hùng - nguyên Chủ nhiệm Thông tin Tỉnh đội Bến Tre

Bến Tre là tỉnh hình thành bởi ba cù lao: cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh. Nó bị chia cắt bởi bốn nhánh sông Cửu Long: sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên. Mỗi cù lao có nhiều sông, rạch, kinh lớn nhỏ chằng chịt chia cắt địa hình rất phức tạp. Ở Bến Tre, sử dụng phương tiện thông tin liên lạc vô tuyến điện là phù hợp với địa hình chia cắt, phù hợp với chiến tranh du kích. Đó là sự lựa chọn ưu tiên của Bến Tre.

Ở Nam Bộ, thời kỳ chống Pháp, các tỉnh Nam Bộ đều sử dụng đài "vô tuyến điện báo" liên lạc hàng ngày về các cơ quan lãnh đạo ở Nam Bộ. Thời kỳ đó, máy vô tuyến điện dùng đèn điện tử: máy thu dùng đèn 3Q4-1T4, máy phát dùng đèn 6V6-6L6, v.v... Đến thập niên 60, kỹ thuật đèn transistor đã phát triển rộng rãi ở miền Nam nước ta. Vì vậy Bến Tre quyết tâm chuyển đổi máy thu từ đèn điện tử sang dùng đèn transistor tiện lợi hơn, tiết kiệm năng lượng, rẻ tiền, v.v..., chỉ cần 1,5V và 9V là đủ cho máy thu. Còn đèn bắt sóng, dùng đèn điện tử 3A4, giảm điện thế xuống còn 9V cho phù hợp với điện thế phân cực đèn transistor và đốt tim 1,5V nhưng vẫn thu tín hiệu "morse" tốt. Pin 9V dùng 2 viên pin dẹt (4,5) và pin đốt tim, dùng 2 viên pin tròn, tất cả pin để gọn trong thùng máy. Máy thu và máy phát ráp gọn trong "thùng đạn đại liên".

"Thùng đạn đại liên" của Mỹ chống ẩm ướt rất tốt và chắc chắn gọn gàng, nhẹ nhàng trong khi hành quân và khi cần cất giấu khẩn cấp, ta nhận (dìm) nó xuống sông rạch hoặc ao hồ vẫn bảo đảm an toàn.

Sườn máy thu - phát, dùng nhôm "ống trái sáng", nhẹ, mềm, dễ gò - và không phải sơn. Phụ tùng lắp ráp máy lấy từ máy vô tuyến điện chiến lợi phẩm. Tùy thuộc vào vật tư, phụ tùng mình thu được để lắp ráp. Đèn điện tử máy phát gồm các loại: Đèn 3A4-3Q4 (loại phổ biến ở thị trường miền Nam). Đèn 5A6 (lấy trong máy siêu tần số TR20 của Mỹ). Đèn 2DF4 (lấy trong máy PRC25 của Mỹ). Dùng dây điện đánh "mìn Clâymo" (chiến lợi phẩm thu được của địch), làm ăng-ten rất tốt.

“Maníp” đánh "morse": tự làm "maníp" kiêm luôn chức năng "rơle", để tự động cắt mạch - đóng mạch khi phát thu, để báo vụ làm việc "Chế độ BK" như máy Mỹ (vừa phát vừa nghe đài bạn chặn maníp). Tai nghe, dùng tai nghe máy điện thoại Mỹ (chọn loại phù hợp với công suất transistor) hoặc dùng tai nghe của radio.

"Mỏ hàn" tự chế nhiều loại: lớn, vừa và thật nhỏ để phù hợp với việc lắp ráp transistor, v.v...

Máy phát, dùng đèn điện tử: 1 đèn "pilote" (tạo sóng phát) và 4 đèn 3A4 lắp song hành làm tầng khuếch đại công suất. Điện thế sử dụng: 1,5V và 150V-180V. Đài trung tâm chỉ huy: lắp ráp đèn điện tử: loại đèn 5A6, dùng bình ắcquy để đốt tim và chạy bộ phận đổi điện bằng transistor loại công suất lớn của máy siêu tần số - TR20 của Mỹ, không dùng pin đỡ tốn kém.

Đài vô tuyến điện tiểu đoàn: Máy phát lắp ráp đèn điện tử 2DF4 và bộ phận đổi điện "A1" của máy PRC25. Đèn 2DF4 công suất khỏe, tiêu thụ năng lượng ít (2 viên pin tròn đốt tim 3V và 10 viên pin tròn 15V để chạy bộ phận đổi điện "A1") để gọn trong thùng đạn đại liên.

Đài 7 Huyện đội và các chốt hậu cần, vận tải: lắp ráp máy phát: 4 đèn công suất "3A4" song hành. Điện sử dụng: 1,5V-120V-180V.

Cán bộ chuyên môn: tuyển chọn thanh niên 17-18 tuổi, có năng khiếu, đào tạo tại chỗ (4 tháng).

Tự lực sửa chữa máy truyền tin PRC-25 của Mỹ.

Năm 1968, Mỹ-ngụy chuyển sang dùng mạng lưới truyền tin bằng loại máy PRC-25. Lực lượng ta thu được để Bến Tre tự lực nghiên cứu sửa chữa, từ sửa thông thường đến sửa chữa phức tạp, như: tháo máy PRC25 để sửa chữa chứng bệnh "tuột sóng", hỏng bộ "nhông", lệch tần số lẻ, v.v... Những máy hư hỏng nặng phải tốn nhiều thời gian, công sức lần mò tìm "bệnh" để trị, để có đủ máy sử dụng.

Từ năm 1970 đến tháng 4 năm 1975 Mỹ - ngụy đánh phá vùng Bến Tre vô cùng ác liệt, đường dây giao bưu – quân bưu không đi được. Vì vậy Tỉnh đội chỉ đạo cho thông tin phải bố trí đóng chốt các tổ máy PRC-25 dọc theo đường giao bưu - quân bưu chiến lược, để đảm bảo cho yêu cầu đưa đón cán bộ và vận tải "hàng" theo chỉ đạo của tỉnh. Các đội săn tàu trên sông Giồng Trôm và các đội săn "Hạm đội nhỏ" trên các nhánh sông đều phải trang bị máy thông tin PRC-25 để thông báo kịp thời chặn đánh các tàu địch chạy vào sông Giồng Trôm.

Các phân đội thông tin ở 5 tiểu đoàn bộ binh, Trung đoàn "Đồng khởi", đại đội thông tin Tỉnh đội và các phân đội đi tác chiến độc lập phải trang bị máy thông tin PRC-25 để chỉ huy, kịp thời cơ đánh địch,v.v.

Các tiểu đoàn bộ binh và Trung đoàn Đồng khởi còn trang bị một đài "vô tuyến điện báo" để liên lạc về Tỉnh đội, Tỉnh ủy, v.v...

Các huyện đội đều có trang bị một đài "vô tuyến điện báo" để báo cáo về Tỉnh đội - Tỉnh ủy.

Mạng lưới thông tin phải bố trí đều khắp theo yêu cầu của Tỉnh đội, Tỉnh ủy để lãnh đạo chỉ huy kịp thời đánh địch.

Trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cường độ chiến tranh tăng tốc như "phi mã" khó lường. Ta có mạng lưới thông tin bố trí đều khắp, hợp đồng chặt chẽ. Đến giờ "G" lịch sử, ta sử dụng quả đấm "Thép" nện trên đầu thù - giành thắng lợi trọn vẹn.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”) 

0 comments:

Đăng nhận xét