23.1.25

Thông tin tiếp sức phục vụ cuộc chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ

Đại tá Nguyễn Ngọc Châu

Cuối năm 1963 bị thất bại nghiêm trọng ở miền Nam, đế quốc Mỹ âm mưu tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân đối với miền Bắc nước ta.

Nắm được âm mưu của địch, ngày 9 tháng 1 năm 1964 Bộ Tổng Tham mưu tổ chức Hội nghị Phòng không nhân dân, bàn các biện pháp đánh bại cuộc tập kích bằng không quân của đế quốc Mỹ.

Sau hội nghị, Bộ giao nhiệm vụ cho Cục Thông tin liên lạc tổ chức đảm bảo thông tin thông suốt, vững chắc, phục vụ Bộ lãnh đạo, chỉ huy các lực lượng vũ trang trên toàn miền Bắc. Đặc biệt là Quân chủng Hải quân và Quân chủng Phòng không - Không quân. Tích cực chủ động đánh địch, bảo vệ vững chắc các khu kinh tế, quân sự trọng điểm. Bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.

Trên cơ sở các mạng thông tin vô tuyến điện sóng ngắn, hữu tuyến điện và quân bưu đã có, Cục Thông tin tiến hành bổ sung thêm khí tài, nhân lực. Tổ chức thêm các đường liên lạc trực tuyến và vu hồi đến sở chỉ huy dã chiến của các quân khu, quân chủng. Mạng lưới vô tuyến điện tiếp sức, vô tuyến điện sóng cực ngắn cũng được triển khai đến các quân khu, quân chủng và các lực lượng phòng không trên toàn miền Bắc. Các chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến từ trên xuống đến các đài, trạm thông tin được duy trì nghiêm ngặt. Nhờ vậy các mạng thông tin đều thông suốt, đảm bảo mọi mệnh lệnh, chỉ huy tác chiến kịp thời. Giúp cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp nắm chắc mọi diễn biến, các âm mưu và động thái của địch. Kịp thời xử lý và chủ động đánh địch ở cả đất liền, trên không và hải đảo của Tổ quốc.

Hàng loạt những hoạt động khiêu khích của địch và xâm phạm hải phận, không phận nước ta đều bị phát hiện và trừng trị thích đáng.

- Ngày 12 tháng 6 năm 1964 biệt kích ngụy phá cầu Hang (Thanh Hoá).

- Ngày 30 tháng 6 chúng lại phá nhà máy nước thị xã Đồng Hới, Quảng Bình.

- Ngày 31 tháng 7 và ngày 1 tháng 8 máy bay Mỹ từ Thái Lan sang bắn phá đồn công an Nậm Cắn và Noọng Dẻ, Nghệ Tĩnh.

Ngày 2 tháng 8 năm 1964 Mỹ cho tàu Ma-đốc vào sâu hải phận nước ta trên vùng biển vịnh Bắc Bộ, gần đảo Hòn Mê và cửa Lạch Trường, Thanh Hoá. Các đài quan sát và hệ thống thông tin của ta đặt ở núi Am Váp, kịp thời báo về Bộ Tư lệnh hải quân 135 và phân đội 3 tàu phóng lôi kiên quyết tấn công làm tàu Ma-đốc hoảng sợ phải tháo chạy.

Trưa và chiều ngày 5 tháng 8 năm 1964, hạm đội 7 của Mỹ đậu ngoài biển Đông, đã cho 64 lần chiếc máy bay F105 và F4 ném bom và bắn phá dữ dội vào thành phố Vinh, Bến Thủy, cảng sông Gianh, Lạch Trường (Thanh Hoá) và thị xã Hòn Gai.

Trạm thông tin Sở chỉ huy căn cứ 1 Hải quân ở Hòn Gai đã giữ liên lạc chặt chẽ với tổng trạm thông tin sở chỉ huy của Bộ Tổng tham mưu, nên đã nhận được sự chỉ đạo kịp thời và chính xác của Bộ. Do vậy đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng Hải quân và Phòng không đánh trả quyết liệt, bắn rơi tại chỗ 8 máy bay Mỹ, bắt sống tên giặc lái đầu tiên Ê-vơ-rét An-va-re (Everett Alvarez) ở Hòn Gai.

Ngày 7 tháng 8 năm 1964, Bộ Tổng tư lệnh tổ chức lễ tuyên dương công trạng các lực lượng vũ trang nhân dân đã lập công xuất sắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và ân cần căn dặn: “... Các chú đã thu được thắng lợi vẻ vang, nhưng chớ vì thắng lợi mà tự mãn, chủ quan, khinh địch. Chúng ta cần hiểu rằng: Đế quốc Mỹ và bọn tay sai "chết thì chết, nết không chừa" chúng còn nhiều âm mưu hung ác".

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, phát huy kết quả chiến thắng trận đầu và rút kinh nghiệm trong việc tổ chức đảm bảo thông tin trong tác chiến của các lực lượng phòng không, Cục Thông tin đã tăng cường cho các hướng trọng điểm, tăng thêm các đường thông tin trực tuyến và vượt cấp.

Đại đội 13 vô tuyến điện tiếp sức P401, P401M và P405 do đại đội trưởng Ngô Xuân Trinh (sau này là Doãn Đức Đạm chỉ huy) phối hợp với thông tin của Quân chủng Phòng không - Không quân, triển khai các trạm vô tuyến điện tiếp sức ở sân bay Bạch Mai, Gia Lâm, Kép, Nội Bài, Hoà Lạc...

Đại đội 14 do Nguyễn Văn Tư làm đại đội trưởng (sau này là Lữ Trung Tấn chỉ huy), sử dụng hai bộ xe máy P400M2 triển khai tại Sở chỉ huy quân chủng ở Bạch Mai, sau này chuyển về Sở chỉ huy ở chùa Trầm, một trạm đặt tại sân bay Đa Phúc (Nội Bài) phục vụ quân chủng chỉ huy các trận không chiến với lực lượng không quân khổng lồ của đế quốc Mỹ.

Đại đội 15 do đồng chí Đặng Phụng (sau này là đồng chí Nguyễn Minh Đức) làm đại đội trưởng, sử dụng xe máy vô tuyến điến tiếp sức P401M kết hợp với sóng cực ngắn P105R triển khai trên cao điểm 1287 Ba Vì, cao điểm 1519 Tam Đảo và một số vị trí ở Quảng Ninh. Toàn bộ lực lượng vô tuyến điện tiếp sức của Tiểu đoàn 4 được tăng cường cho lãnh đạo, chỉ huy Quân chủng Phòng không – Không quân ở Kỳ Sơn - Hoà Bình từ những năm 1964 đến cuối năm 1972 (cuối năm 1968 một số đơn vị đã được rút về hậu cứ).

Khi cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta bằng không quân của Mỹ bị thất bại, Hiệp định Pa-ri được ký kết, Tiểu đoàn 4 đã khẩn trương huấn luyện, củng cố lực lượng, bổ sung quân số và trang bị, chuẩn bị mọi mặt để nhận nhiệm vụ mới.

Trong báo cáo tổng kết chiến tranh của Binh chủng Thông tin liên lạc đã khẳng định: "...Thông tin liên lạc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Hệ thống thông tin liên lạc của Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân đã tận dụng tốt các đường trục hữu tuyến điện kết hợp với sử dụng mạng vô tuyến điện sóng ngắn, sóng cực ngắn và vô tuyến điện tiếp sức đặt trên các cao điểm nên đã bảo đảm chỉ huy thông suốt từ Bộ Tư lệnh quân chủng đến các đơn vị tên lửa, pháo cao xạ và không quân. Hiệp đồng chiến đấu giành thắng lợi hết sức to lớn...".

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”) 

0 comments:

Đăng nhận xét