15.1.25

Sự hình thành và hoạt động ban đầu của ngành Vô tuyến điện tiếp sức

Đại tá Nguyễn Ngọc Châu - nguyên Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Thông tin liên lạc

1. Đại đội 22 - Đơn vị tiền thân.

Được sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung Quốc, ngày 2 tháng 8 năm 1959 Cục Thông tin liên lạc nhận 8 xe máy vô tuyến điện tiếp sức (P401) của Liên Xô. Mặc dù số lượng còn ít, trình độ công nghệ chưa cao, nhưng các đồng chí lãnh đạo và các cơ quan của Cục Thông tin vô cùng phấn khởi, đã tổ chức tiếp nhận và điều động một số cán bộ được đào tạo và có trình độ kỹ thuật tốt, từ trường của Cục về nghiên cứu biên dịch tài liệu, tổ chức huấn luyện, khai thác loại khí tài mới này.

Các đồng chí Tô Minh Nhật, Ngô Xuân Trinh, Trần Ngọc Thát... được giao nhiệm vụ nghiên cứu tính năng kỹ thuật và tổ chức huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ Đại đội 22 thuộc Trung đoàn 205.

Lúc này ta chưa có kỹ sư điện tử - toàn bộ tài liệu và thứ tự trên mặt máy đều in bằng tiếng Nga, phiên dịch không có nhưng quyết không chịu bó tay. Nhờ có chút vốn tiếng Pháp và lòng nhiệt tình say mê, cùng những kiến thức cơ bản vững vàng đã được học tại trường, đồng chí Nhật cùng hai đồng chí Trịnh, Thát trong thời gian ngắn nhất đã nắm được toàn bộ tính năng kỹ, chiến thuật và phương pháp tổ chức khai thác các loại xe máy P401.

Toàn bộ sơ đồ kỹ thuật và sơ đồ hướng dẫn đã được dịch ra tiếng Việt, làm cơ sở tốt cho công tác huấn luyện, bảo dưỡng, sửa chữa và khai thác loại khí tài mới này.

Năm 1960 Trung Quốc cử đồng chí Tô Kiến Đạt, tiểu đoàn phó tiểu đoàn Thông tin tiếp sức của Trung Quốc và Liên Xô cử đại tá Ghi chuyên gia sang giúp đỡ về sử dụng, khai thác và tổ chức diễn tập Tổng trạm Thông tin của Bộ Tổng tham mưu với các quân khu, quân chủng.

Ngày 19 tháng 8 năm 1959, tại doanh trại của Trung đoàn ở Xuân Mai, đồng chí Cục phó Cục Thông tin liên lạc Hoàng Xuân Vượng đọc quyết định thành lập Đại đội 22 thông tin tiếp sức - trực thuộc Trung đoàn 205. Quân số gồm 69 người do đồng chí Tô Minh Nhật làm đại đội trưởng, đồng chí Nguyễn Khước - chính trị viên, Lê Thành Ý - đại đội phó và 8 trạm vô tuyến điện tiếp sức, mỗi trạm 7 người.

Tại buổi lễ, đồng chí Cục phó đã đọc lệnh của Cục trưởng: "Lệnh cho Đại đội 22, triển khai đường trục tuyến điện tiếp sức, từ Bộ Tổng tham mưu đến Bộ Tư lệnh Quân khu Tây Bắc, để bảo vệ biên giới phía Tây của Tổ quốc". Đồng chí chúc đại đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và phải quyết tâm "đánh thắng trận đầu". Nhận nhiệm vụ của Cục giao cho, Đại đội trưởng Tô Minh Nhật vô cùng phấn khởi, song không khỏi lo lắng vì khí tài mới, triển khai trên địa bàn rừng núi hiểm trở, lại phải hành quân xa, việc bảo đảm an toàn cho người và xe máy có nhiều khó khăn. Khí tài tiếp sức mới được nghiên cứu và tổ chức huấn luyện chưa nhiều. Từ lý thuyết đến thực tế còn một khoảng cách không nhỏ. Theo tài liệu cự ly liên lạc giữa 2 trạm 45-50km (theo đường chim bay và không có vật cản che khuất tầm phát sóng). Nếu đặt ở đỉnh núi cao, cự ly liên lạc có thể lên tới 100km, vậy đường trục tiếp sức 300km phải triển khai bao nhiêu trạm? Chọn cự ly và hướng phát sóng thích hợp, bảo đảm đường truyền tín hiệu có chất lượng tốt nhất! Biết bao nhiêu câu hỏi và những giải pháp được đặt ra. Giải pháp cuối cùng được đặt là:

Tháo dỡ toàn bộ thiết bị, khí tài ra khỏi xe. Dùng sức người gùi tất cả máy móc, trang bị kỹ thuật, xăng dầu, lương thực, thực phẩm lên đỉnh núi cao, đặt trạm thông tin tiếp sức. Anh em nói với nhau là "thông tin kiệt sức". Được sự cổ vũ, động viên kịp thời, mọi khó khăn gian khổ đều vượt qua. Tính chủ động, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ được phát huy. Nhờ vậy việc triển khai trạm theo kế hoạch của trên được thực hiện theo đúng tiến độ.

Đúng 6 giờ ngày 26 tháng 8 năm 1959, tuyến thông tin tiếp sức đầu tiên từ Bộ Tổng tham mưu đến Bộ Tư lệnh Quân khu Tây Bắc gồm 6 trạm Hà Nội, Xuân Mai, Pheo, Hòa Bình, Chợ Bờ, bản Tà Ný (ngã ba Mộc Châu - điểm cao 335) liên lạc đã được thông suốt.

Cán bộ, chiến sĩ toàn đại đội hết sức phấn khởi trước thành công ban đầu, mở ra triển vọng tốt đẹp cho thông tin vô tuyến điện tiếp sức trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sau cuộc thử nghiệm đầu tiên đạt kết quả tốt, ngày 4 tháng 10 năm 1959 đơn vị lại nhận nhiệm vụ triển khai tuyến đường trục thứ hai từ Bộ Tổng tham mưu đến Bộ Tư lệnh Quân khu 4. Trên cơ sở kinh nghiệm của tuyến đường trục Tây Bắc, Đại đội trưởng Tô Minh Nhật đã nghiên cứu, thiết lập đường trục mới, đặt ở Hà Nội, núi Gôi, núi Nưa, Hoàng Mai, Cầu Giát, Vinh. Tất cả gồm 6 trạm, sau 3 ngày hành quân và tháo dỡ, mang vác khí tài lên các điểm cao nhất đã được xác định. Việc triển khai trạm máy rất đồng bộ và khẩn trương, nhờ có kinh nghiệm đợt trước nay lại ở đồng bằng và trung du có nhiều thuận lợi. Do vậy ngày 18 tháng 10 năm 1959 tuyến thông tin tiếp sức Hà Nội - Quân khu 4 đã liên lạc thông suốt.

Nhiệm vụ được giao chúng tôi đã hoàn thành đúng như mong muốn của đồng chí Cục phó Hoàng Xuân Vượng. Dù vạn sự khởi đầu nan, thử thách, song với ý chí và quyết tâm: dám nghĩ, dám làm, toàn đại đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với những thành tích nói trên, Đại đội 22 đã được tuyên dương là đơn vị Ba nhất, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

2. Những cuộc thử nghiệm trên thực địa.

Để bảo đảm thông tin liên lạc theo kế hoạch phòng thủ miền Bắc sẵn sàng đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, Cục Thông tin liên lạc chủ trương tiến hành kế hoạch sẵn sàng chiến đấu, với các phương án diễn tập có quy mô ngày càng lớn, bằng các loại khí tài và phương tiện thông tin mới được trang bị.

Đối với loại khí tài vô tuyến điện tiếp sức, cần phải tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm ở các cự ly và địa bàn khác nhau nhằm giảm bớt các trạm trung gian, tăng cự ly liên lạc, bảo đảm tín hiệu đường truyền thật ổn định và kết nối với các phương tiện thông tin khác. Căn cứ vào ý định trên, tôi được giao nhiệm vụ lập kế hoạch thử nghiệm khả năng liên lạc trên cự ly xa của thiết bị vô tuyến điện tiếp sức và sóng cực ngắn trên phạm vi toàn miền Bắc.

Trên cơ sở kết quả triển khai hai tuyến đường Hà Nội Tây Bắc và Hà Nội - Quân khu 4 và những kết quả trong huấn luyện của Đại đội 22 theo kế hoạch này, các trạm giữa được bỏ bớt, nhưng phải tăng độ cao của các điểm đặt trạm. Làm được như vậy sẽ tạo những biến đổi lớn về lực lượng và chất lượng thông tin. Giảm bớt khí tài, quân số, kéo theo đó là giảm bớt sự tiêu hao vật chất, kỹ thuật, nhiên liệu và công tác bảo đảm hậu cần, đời sống. Giảm bớt tiếng tạp âm trên sóng vô tuyến điện đường trục. Cự ly liên lạc được tăng thêm và chất lượng đường truyền tín hiệu tốt hơn, ổn định hơn.

Nhưng đời sống và công tác hàng ngày của bộ đội sẽ khó khăn, gian khổ tăng thêm nhiều lần. Song vì ý nghĩa to lớn và quan trọng của tuyến thông tin tiếp sức. Vì vậy cán bộ, chiến sĩ, có quyết tâm rất cao, sẵn sàng vượt qua tất cả, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sau khi Cục trưởng Nguyễn Anh Bảo thông qua kế hoạch thử nghiệm, Đại đội 22 dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Hồ Đức Ngạn, chính trị viên Đỗ Minh Đính và chính trị viên phó Bùi Hữu Do cùng một trung đội vô tuyến điện sóng cực ngắn, quân số 110 - có hai kỹ sư thông tin của Cục Thông tin liên lạc là Trần Thúc Vân, Huỳnh Xuân Mai và bốn cán bộ trung cấp kỹ thuật thông tin tiến hành đợt thử nghiệm đầu tiên1.

6 giờ sáng ngày 10 tháng 3, toàn đại đội xuất phát, hành quân trên nhiều hướng, triển khai trên nhiều địa phương, trên 22 cao điểm. Từ Tây Bắc, Đông Bắc, các hải đảo vào tới Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Trên các đỉnh núi cao như Tam Đảo 1.600m, Ba Vì 1.287m, Viên Nam: 1.100m, Yên Tử: trên một ngàn mét, núi Am Váp gần 1.200m, Bù Cho: 1.563m, Đèo Ngang 1.023m. Các đảo: Trà Cổ, Tuần Châu, Cát Bà, Bạch Long Vĩ...

Đợt thử nghiệm này, được sự giúp đỡ của các cơ quan dân - chính - Đảng và Phòng Thông tin các quân khu, quân chủng. Tuy vậy cũng vô vàn khó khăn, gian khổ. Chúng tôi phải liên tục động viên bộ đội quyết tâm khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ.

Những trạm triển khai trên các đảo thuộc Quân khu Đông Bắc, theo kế hoạch, Bộ Tư lệnh sẽ dùng tàu của Hải quân để chở bộ đội và khí tài ra đảo. Nhưng tới ngày lên đường thì không có tàu, anh em phải đi bằng thuyền gỗ của dân. Lần đầu ra biến, thuyền nhỏ, sóng to gió lớn, mọi người chao đảo, bồng bềnh, ai cũng nôn mửa, người phờ phạc mệt lử..

Khi tới đảo, mặc dù sức khoẻ giảm sút, bước đi lảo đảo, thẫn thờ nhưng mọi người vẫn cố gắng mang vác khí tài tới các vị trí đã quy định, núi Am Váp với độ cao trên 1.000m, được Huyện đội Hoành Bồ cử người dẫn đường. Nhưng là một vùng núi nguyên thủy, cây cối rậm rạp, dốc cao vực thẳm, nhiều chỗ chưa có dấu chân người đi tới. Nơi đây còn là căn cứ của bọn thổ phỉ do Lục Văn Thống và Bàn Đức Thắng cầm đầu. Chúng lén lút ở lại, sau khi ta tiếp quản khu 300 ngày. Tìm mọi cách thu gom lực lượng, lợi dụng rừng núi hiểm trở để ẩn náu và tiến hành các hoạt động phá hoại cuộc sống của nhân dân vùng Đông Bắc nước ta.

Hai người dẫn đường đi cùng chúng tôi suốt một ngày, tới gần tối mà chưa tới cao điểm. Vì sợ bọn phỉ phục kích, nên cả hai người viện nhiều lý do xin quay trở lại, thật đúng là cảnh "đem con bỏ chợ". Chúng tôi đành chấp nhận cho họ ra về. Còn chúng tôi tiếp tục leo núi, tìm nơi dừng chân nấu bữa tối, cử người canh gác cẩn thận. Anh em mỗi người chọn một chỗ thích hợp căng bạt, treo võng ngủ qua đêm. Sáng hôm sau chúng tôi tìm đường đi tiếp, đến 10 giờ trưa lên đến đỉnh núi! Đứng trên đỉnh cao, ngắm nhìn toàn bộ vùng biển, đảo vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Đây đúng là một cao điểm lý tưởng! Là một chóp thông tin có thể liên lạc bao quát cho cả Quân khu Đông Bắc và Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân.

Suốt gần một tháng thử nghiệm, đoàn đã bảo đảm an toàn và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thu hồi khí tài và hành quân về đơn vị, chúng tôi chuẩn bị một đợt thử nghiệm mới trong điều kiện khó khăn phức tạp hơn.

Từ những bài học kinh nghiệm, qua các đợt triển khai thử nghiệm, Cục Thông tin chủ trương xây dựng tuyến đường trục vô tuyến điện tiếp sức Hà Nội - Vinh, với một trạm giữa đặt tại cao điểm 1560 Bù Cho - Thanh Hoá.

Nhận nhiệm vụ trên giao, tôi cùng anh Hồ Đức Ngạn và một số cán bộ, chiến sĩ trinh sát, tìm đường lên đỉnh Bù Cho. Từ nơi đỗ ô tô lên tới đỉnh núi phải mất hai ngày trèo đèo lội suối vô cùng vất vả. Chúng tôi vào huyện đội Thường Xuân xin người dẫn đường. May mắn có đồng chí xã đội phó xã Nà Khao đang làm việc ở huyện đội. Đồng chí rất nhiệt tình dẫn đường cho chúng tôi. Lần đầu tiên được ngồi ô tô về bản, xã đội phó rất vui. Đến nơi, xe để lại bên bờ sông Khao, chúng tôi lên mảng qua sông về bản. Tối hôm ấy chúng tôi nghỉ lại nhà đồng chí xã đội phó.

Sáng hôm sau chúng tôi lên núi, đây là một khu rừng nguyên sinh rất rậm rạp, nhiều cây to, cao, lá xum xuê. Suối sâu, dốc đứng, nhiều thú dữ, rất nhiều muỗi, vắt. Chỉ cần dừng chân chốc lát là chúng bám đầy chân và bò lên người. Mọi người mải miết luồn rừng, leo dốc, đi vào những nơi chưa hề có dấu chân người qua lại. Trời đã sẩm tối, đồng chí xã đội phó xin quay về bản, vì gia đình còn mẹ già, con nhỏ. Sau khi cảm ơn và chia tay xã đội phó, chúng tôi lại cắt rừng đi thêm một đoạn nữa. Ai cũng thấm mệt, chúng tôi dừng lại nấu ăn và mỗi người tìm một cây cao để mắc võng ngủ qua đêm, đề phòng thú dữ đe dọa.

Sáng hôm sau đi theo bản đồ, chúng tôi tiếp tục leo lên đỉnh núi, gần 11 giờ trưa thì tới đỉnh Bù Cho. Tuy rất mệt, nhưng mọi người đều phấn khởi, quên cả đói khát. Đứng trên cao, gió thổi lồng lộng, không khí trong lành, bầu trời như thấp xuống, từng đám mây trắng bay qua, mọi người cảm thấy mỏi mệt đều tan biến. Qua trao đổi với anh Ngạn, tôi quyết định chọn cao điểm này làm chóp thông tin. Làm cầu nối thông tin liên lạc giữa Bộ Tổng tham mưu với Quân khu 3, Quân khu 4 và Đặc khu Quảng Ninh. Làm cơ sở cho đường trục tiếp sức, khi phát triển sâu vào phía Nam và cả chiến trường Lào nữa. Cảm xúc trước thiên nhiên tươi đẹp, núi rừng hùng vĩ và khí hậu khắc nghiệt, bạn Đặng Đức Đông đã ghi lại mấy vần thơ chiến sĩ:

"Mùa khô bỏng rát gió Lào

Mùa đông gió Bắc, điểm cao sương mù

Mùa mưa kéo tận sang thu

Thông tin, thông suốt, mặc dù gian lao...".

Gần một tháng thử nghiệm suốt 24/24 giờ, hai kỹ sư: Trần Thúc Vân, Huỳnh Xuân Mai và 4 cán bộ kỹ thuật của Cục Thông tin đã theo dõi, ghi chép rất tỉ mỉ thông số kỹ thuật. Đối chiếu giữa lý thuyết và thực tế, chất lượng các đường truyền dẫn, cự ly liên lạc giữa các trạm đã tăng từ 2 đến 4 lần. Kết thúc đợt thử nghiệm, trong buổi báo cáo tổng kết, đồng chí Cục trưởng Nguyễn Anh Bảo đã nhận xét: "... Đây là đợt thử nghiệm lớn nhất, kết quả thật bất ngờ. Khí tài tiếp sức phục vụ ở cấp chiến thuật - Ta đã có thể tổ chức thông tin cho cấp chiến dịch. Dựa vào các cao điểm của dãy Trường Sơn, chúng ta đã xây dựng, phát triển đường trục vô tuyến điện tiếp sức Bắc - Nam phục vụ cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc".

Từ những kết quả trên, Cục đã chỉ thị xây dựng tuyến vô tuyến điện tiếp sức đường trục từ Bộ Tổng tham mưu đến Quân khu 4 gồm 3 trạm (JK1 - Bù Cho - Núi Quyết), từ Bộ Tổng tham mưu đến khu Đông Bắc gồm 3 trạm (JK - Yên Tử - Bãi Cháy) và từ Bộ Tổng tham mưu đến Quân chủng Hải quân (JK1 - núi Am Váp - Hải Phòng).

Với phương thức như vậy chúng ta đã tạo ra một lực lượng đáng kể về quân số, khí tài... chuẩn bị cho các nhiệm vụ tiếp theo.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”)

---------------------------------------------

1 Đồng chí Trần Thúc Vân sau là Thiếu tướng, Viện trưởng Viện Kỹ thuật quân sự Bộ Quốc phòng. Đồng chí Huỳnh Xuân Mai sau này là Đại tá, Phó Tiến sĩ ở Cục Khoa học quân sự Bộ Quốc phòng.

0 comments:

Đăng nhận xét