Trần Hữu Đạo - nguyên Trưởng ban Hữu tuyến điện Bộ đội
Trường Sơn
Vào thời điểm những năm tháng của cuộc kháng chiến chống
Mỹ, cứu nước, phương thức cơ bản tổ chức bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ chỉ
huy chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam được xác định có 3 loại là: vô tuyến
điện, hữu tuyến điện và vận động. Thông tin vận động còn được gọi là "quân
bưu". Theo lịch sử, khi Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định thành lập
"Đoàn công tác đặc biệt" với nhiệm vụ "Mở đường Trường Sơn, tổ
chức chi viện cho chiến trường miền Nam" và được mang tên Đoàn 559, những
ngày đầu hoạt động thông tin vận động đã phát huy tác dụng ngay.
Ngày 20 tháng 6 năm 1959, Tiểu đoàn 301 - đơn vị tiền thân
của Đoàn 559 hành quân vào vị trí tập kết ở khu vực Khe Hó (Vĩnh Linh) triển
khai nhiệm vụ. Để giữ bí mật, đơn vị lấy danh nghĩa là "Công trường khai
thác gỗ" (bộ đội Sơn Tràng) và "Nông trường chăn nuôi bò". Toàn
tuyến được bố trí làm 9 đội, đội 9 cuối cùng ở Tà Rụt (bắc A Lưới). Hàng chuyển
giao từ trạm đầu đến trạm cuối, riêng trạm 5 và trạm 6 qua đường số 9, phải tiến
hành vào ban đêm!
Chỉ huy tiền phương của Tiểu đoàn 301 đứng ở trạm 5 và
trạm 6 trực tiếp chỉ huy toàn tuyến. Tại đây bố trí một tổ đài vô tuyến điện
15W có cơ yếu mã dịch đi cùng và hai tổ trinh sát kiêm bảo vệ, liên lạc. Vô tuyến
điện của Sở chỉ huy Lữ đoàn 34 ở Vĩnh Linh. Từ Vĩnh Linh về Khe Hó dùng liên lạc
chạy chân để chuyển nhận các công điện đã mã hóa. Thông tin vận động (quân bưu)
ngay buổi đầu đã luôn bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn phục vụ cho chuyến hàng
đầu tiên vượt Trường Sơn tới đích ngày 13 tháng 8 năm 1959.
Sau khi quy mô, nhiệm vụ và lực lượng trên tuyến phát triển,
từ Bộ Tư lệnh Đoàn đến cơ sở vẫn luôn tổ chức loại hình thông tin vận động -
quân bưu để chuyển đạt công văn, mệnh lệnh, thư từ, báo chí, có khi làm liên lạc
dẫn đường cho cán bộ đi công tác.
Nhiệm vụ của bộ đội thông tin 559 ngoài chức năng
trung tâm thường xuyên là tổ chức bảo đảm thông tin phục vụ cho chỉ huy các cấp
trên tuyến chi viện chiến lược, còn được Bộ Tư lệnh giao thực hiện nhiệm vụ
"Quân bưu chiến lược" vận chuyển công văn, văn kiện, thư từ ở hậu
phương miền Bắc vào chiến trường và ngược lại, được bắt đầu từ khi có vận chuyển
cơ giới trên tuyến mùa khô 1966-1967.
Để thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả, cuối năm 1967 Bộ đã
tăng cường cho thông tin 559 hai đồng chí cán bộ quân bưu có bề dày kinh nghiệm
tổ chức; đồng chí Phạm Di và Trần Xuân Triệu. Có thời gian hàng tồn đọng nhiều ở
cửa khẩu vì lý do không có phương tiện vận chuyển, Ủy ban thống nhất Trung ương
và Bộ Tư lệnh Thông tin đã tăng cường cán bộ vào túc trực, đôn đốc, cùng lo giải
quyết với thông tin 559.
Ngoài thư từ, công văn và văn kiện gửi vào Nam, chủ yếu
là sách báo. Chị Ba Định - nguyên Phó Tư lệnh quân giải phóng miền Nam Việt
Nam, vào mùa xuân 1974 có dịp gặp các nhà báo quân đội ở Khe Sanh - Đường 9 tỉnh
Quảng Trị, đã chuyện trò thân mật; chị nói rằng: Trong chiến trường có ít báo
phát hành ở miền Bắc. Cả Bộ Tư lệnh Miền chỉ có được mấy tờ, khi quân bưu chuyển
báo đến nơi là anh em chuyền tay nhau đọc ngay. Chiến sĩ rất thích xem ảnh chụp
ở miền Bắc và đọc cả bài "Giữ Thành cổ Quảng Trị", "Bắt đại tá
Thọ ở Bản Đông", "Quân ta đánh vào Đắc Tô, Tân Cảnh ở Kon Tum".
Anh em quê ở miền Bắc thì chuyền tay nhau đọc những bài nói về lúa 5 tấn ở Thái
Bình; Hà Nội đánh thắng B-52. Các báo ở ngoài đó gửi vào kịp thời động viên cổ
vũ tinh thần cán bộ, chiến sĩ ở các chiến trường...
Chị Ba Định còn nhớ từ những năm trước ở ngoài Bắc đã
chuyển sách báo vào trong này bằng cách bỏ vào các thùng súng đạn, thùng lương
khô, các bì lương thực. Khi chiến sĩ nhận được súng là nhận được sách báo, cách
chuyển đó tốt nhưng rồi thấy ít dần... Rồi chị nói thêm: Ta phải coi chuyện
chuyển sách báo vào chiến trường cũng cần như chuyển lương thực vũ khí vậy!
Tôi được biết từ mùa khô 1967-1968 đến năm 1973, Ủy ban
thống nhất Trung ương và Bộ Quốc phòng rất quan tâm đến việc tổ chức đường quân
bưu theo tuyến chi viện Đoàn 559 để chuyển thư từ, sách, báo từ miền Bắc vào
các chiến trường và ngược lại. Nhiều lần đi công tác ở Tổng kho 050 - Mụ Giạ -
Cửa Khẩu đường 12, tôi vào thăm trạm Quân bưu T804 - đầu mối của Đoàn 559 tiếp
nhận của hậu phương, tôi thấy các túi văn kiện bằng vải bạt nặng khoảng 20kg,
có niêm phong gắn xi xếp đầy trên sàn kho ước tính phải hàng tấn trở lên. Đồng
chí Luận và Bao là chiến sĩ quân bưu trạm đầu mối nói với tôi: Hàng ngày chúng
em đều liên hệ Binh trạm để xin xe chở hàng quân bưu vào chiến trường nhưng rất
khó khăn vì đầu xe vận chuyển ít, phải ưu tiên chở súng, đạn và gạo, khoảng một
tuần mới được chở kết hợp trên xe hàng khoảng 200kg trở lại. Do vậy số hàng tồn
đọng cứ mỗi ngày một nhiều hơn.
Điều chị Ba Định nói ở trên chính là cách làm
"sáng tạo" tự phát của quân bưu trạm đầu mối T804 - 559 khi văn kiện
bị ứ đọng nhiều không chuyển đi được. Biết súng đạn, gạo bằng mọi giá các binh
trạm cũng phải chở giao chiến trường nên anh em tự động đút sách, báo vào các thùng
súng, đạn, lương khô, bao gạo, may ít nhiều cũng đến được tay chiến sĩ ở mặt trận
khi họ nhận được vũ khí và lương thực để chiến đấu.
Vào dịp các đồng chí Thông tin Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cùng
Sư đoàn 2 ra tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào tháng 2 năm 1971, anh em kể
lại, hàng quân bưu từ miền Bắc vào đến Khu 5 có nhiều lá thư, sách báo thấm đậm
cả máu của các đồng chí quân bưu, giao liên. Chiến sĩ ở mặt trận nhận được thư
gia đình họ thường chuyền tay nhau đọc rất trân trọng, ai cũng khao khát, mong
đợi thư nhà!
Vào thời điểm cuối mùa khô 1969-1970, lượng hàng quân
bưu tồn ứ ở trạm đầu mối hàng chục tấn. Không thể để tình trạng này kéo dài, Bộ
Tham mưu Đoàn 559 đã tổ chức lực lượng gùi bộ theo đường giao liên đưa đến các chiến
trường. Mùa khô 1970-1971 khi mạng dây trần đã nối thông đến các binh trạm trên
trục dọc và cả trục ngang, Bộ Tham mưu Trường Sơn đã giao nhiệm vụ cho các tiểu
đoàn thông tin dây trần tải ba, dùng lực lượng tổ canh dây phối hợp với lực lượng
quân bưu ở các binh trạm vận chuyển hàng quân bưu giao đến các trạm tiếp nhận của
Quân khu Trị Thiên, Khu 5, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Đầu mùa khô 1972-1973, nhằm đáp ứng tình hình vận chuyển
hàng quân bưu chiến lược tốt hơn, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã quyết định tổ chức Đại
đội 12 thông tin quân bưu, trực thuộc Bộ Tham mưu trang bị 24 đầu xe gồm xe Gát
63, Gát 69, Zin và 6 mô tô 3 bánh để thực hiện chức năng thông tin vận động
trong tình hình nhiệm vụ phát triển của Bộ đội Trường Sơn và vận chuyển hàng quân
bưu với khối lượng lớn của hậu phương đi thẳng giao cho các chiến trường, thay
bằng vận chuyển bộ của các năm trước. Cũng từ đây, hàng quân bưu ở trạm đầu mối
không còn tồn đọng nhiều như trước. Giữa năm 1973, theo điện báo từ các chiến
trường về Bộ Tư lệnh Trường Sơn, thư từ, sách báo từ miền Bắc gửi đến các chiến
sĩ ngoài mặt trận nhận được nhiều hơn, nhanh hơn. Và ngược lại, số lượng thư từ
các mặt trận gửi về hậu phương cũng được chuyển nhanh ra chu đáo gấp nhiều lần
so với các năm trước.
Chỉ tính từ mùa khô 1967-1968 đến hết năm 1973, Quân
bưu Đoàn 559 đã chuyển vào chiến trường được: công văn (132.355 chiếc), văn kiện
(79.008kg), thư binh sĩ (43.925kg). Và đã chuyển về hậu phương miền Bắc được: văn
kiện (401kg), thư binh sĩ (11.393kg), gói hàng di vật liệt sĩ (66 gói với trọng
lượng 567kg).
Để ghi công sự đóng góp của các lực lượng đã tham gia tổ
chức thực hiện việc vận chuyển thư từ, công văn, văn kiện, sách báo từ miền Bắc
vào miền Nam và ngược lại, năm 1971 Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam
Việt Nam đã trao tặng cho 3 đơn vị: Ủy ban thống nhất Trung ương, Bộ Tư lệnh
Thông tin liên lạc, Thông tin Đoàn 559 mỗi đơn vị một lá cờ có thêu dòng chữ
"Nối liền tình cảm Bắc - Nam" hiện còn lưu giữ ở Bảo tàng đường Hồ
Chí Minh và nhà truyền thống Trung đoàn 130 quân bưu Binh chủng Thông tin liên
lạc.
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”)
0 comments:
Đăng nhận xét