23.1.25

Dũng cảm, mưu trí giữ cho làn sóng không bao giờ tắt

Đại tá Nguyễn Thông (Ba Kế)

Cuối năm 1963, tôi được nhận quyết định làm Đại đội trưởng cụm điện đài và trung đội bộ đàm vô tuyến (mới có khung), lúc này điện đài có khẩu hiệu "15 phút đến Trung ương, tối khẩn, dịch ngay giao liền", có lúc hết người đưa điện chúng tôi cũng đi.

Nối tiếp truyền thống giữ vững làn sóng không bao giờ tắt, mặc dù bị địch đánh ác liệt, máy bay B-52 ném bom trên 10 lần, trong đó có 5 lần rải thảm ngay đội hình, nhiều cơ quan đơn vị không dám ở gần điện đài. Lúc này tôi phụ trách chính trị viên Phòng Thông tin luôn gần gũi các đại đội thông tin, nhất là 2 đại đội vô tuyến điện, đi sâu sát nắm tình hình động viên kịp thời... Đặc biệt trong những năm địch càn quét, bình định vùng U Minh, các đài phân tán gần địch khoảng 1-2km, anh em vẫn vững vàng, ban ngày quần nhau chống địch, tối đưa máy lên làm việc, dù có điện hay không cũng lên tiếng để cấp trên và các đơn vị yên tâm. Quân khu vẫn bám trụ trên địa bàn trọng điểm đã góp phần đảm bảo chỉ đạo thông suốt, kể cả những lúc hiểm nghèo nhất. Tiêu biểu như tổ đài tiên tiến Nguyễn Văn Quân (sau này được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân về thông tin liên lạc), có hôm "một ngày hai trận thắng", đêm làm xong chôn giấu máy... sáng đưa bốn đồng chí qua chi viện Phòng Thông tin đánh bật tiểu đoàn địch đang càn quét, tối về lo chôn cất đồng chí Sơn vừa bị pháo bắn hy sinh. Kế đến là đào máy lên liên lạc với Trung ương và Bộ Tư lệnh Miền. Trong cuộc chiến đấu rất gay go, quyết liệt và gian khổ hy sinh ấy, không thể nào quên được liệt sĩ Trần Văn Thái (Anh hùng thông tin) là thương binh 2/4, cụt cánh tay phải và bị thương chân nhưng ý chí tiến công cách mạng rất cao, từ một quay viên trở thành đài trưởng giỏi, tập đánh maníp bằng tay trái, làm việc tốt, bơi xuồng giao điện, giăng câu trong hoàn cảnh ác liệt và một mình giữ ba chức vụ: Đại đội trưởng, Chính trị viên và quản lý ở Đại đội 2 vô tuyến điện. Có đồng chí khi nghe về đây do dự, nhưng đồng chí Thái sẵn sàng (vì trong thời gian ngắn cả 2 ban chỉ huy đã hy sinh 4 đồng chí). Có một việc phản ánh đầy đủ nhất phẩm chất của Thái: Đó là một hôm tôi đến thăm đơn vị tại rừng 390 (Cà Mau) vào mùa nước nổi, trên căn nhà nhỏ sàn lót bằng cây tràm, sau khi trao đổi tình hình xong, Thái nhìn tôi và nói: Hàng ngày em đều kết sổ tài chính, coi như bàn giao vắng mặt, nếu lỡ có hy sinh thì không làm phiền anh em khác.

Không ngờ chiều hôm sau (8-6-1971) được tin Thái hy sinh khi tìm địa điểm dự bị, tôi bàng hoàng và toàn đơn vị ai cũng đau buồn thương tiếc Trần Văn Thái, một người con của quê hương Hòn Đất anh hùng không còn nữa, nhưng tinh thần triệt để cách mạng, lạc quan vẫn còn mãi trong tôi và đồng đội.

Còn rất nhiều gương mưu trí dũng cảm khác ở 8 đại đội thuộc Phòng Thông tin Quân khu 9, như đồng chí Nguyễn Văn Rỡ - một cây "dùi", "cây mở đường" giao liên. Ngoài ra còn bố trí 2 đại đội ở 2 khu vực xa nhau có tài liệu quy ước và sẵn sàng thay thế nhau hoặc kẹt lắm thì Đài trưởng Hà Đình Phát tìm mọi cách vượt qua hàng rào địch mượn máy đài bạn làm việc để chuyển nhận điện kịp thời. Đúng là:

"Bủa vây giặc đánh khắp nơi

Ngàn ngày vẫn vững điện trời vẫn bay".

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”) 

0 comments:

Đăng nhận xét