20.1.25

Trạm thông tin A77 trong chiến dịch 1972

Trung tá Nguyễn Đình Thự - nguyên Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Trường Kỹ thuật Thông tin

1. Đường hành quân.

Cuối năm 1971, tôi và Nguyễn Hải tốt nghiệp lớp trung cấp tải ba ở Trường Kỹ thuật Bộ Tư lệnh Thông tin được lệnh vào phục vụ chiến dịch mùa Xuân 1972 tại chiến trường Quảng Trị.

Trước mặt chúng tôi là Đại tá Phạm Niên - Phó Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc. Ông lệnh cho tôi và Hải đến hầm chỉ huy của ông trong một hang đá rộng tại trạm A72 thuộc miền Tây Quảng Bình.

Trên bàn làm việc, tấm bản đồ Việt Nam trải dọc với những đường vẽ chằng chịt suốt từ Bắc vào Nam. Ông cầm cây chì đỏ lướt nhẹ trên bản đồ rồi dừng lại ở miền Tây Huế và nói:

- Mạng thông tin của ta đến đây là điểm cuối. Hai đồng chí quay ra Vinh (Nghệ An) nhận hai máy thông tin cao tần mười hai đường (VBO12) đưa vào đây lắp đặt chuẩn bị cho chiến dịch sắp tới.

Suy nghĩ giây lát tôi hỏi lại ông:

- Thưa Tư lệnh, đường vào trong đó địch - ta thế nào?

Ông giải thích:

- Địch và ta ở thế cài răng lược, nơi giải phóng, nơi chưa giải phóng. Đường 20 đã làm xong nhưng chưa được đi. Các đồng chí tìm đường đưa máy vào địa điểm an toàn.

Thời kỳ này chiến tranh phá hoại miền Bắc vô cùng ác liệt. Địa bàn Khu 4 là dải đất hẹp, địch gọi là "vùng cán xoong" nên chúng đánh phá suốt ngày đêm nhằm chặn đường tiếp tế của ta từ Bắc vào Nam.

Quốc lộ số 1 là đường gần như nguy hiểm nhất. Song chúng tôi quyết định đi trên con đường đó để bảo đảm thời gian. Mùa mưa đường trơn, hố bom nham nhở. Ô tô đi ban đêm bằng đèn gầm, nhiều đêm đi được vài chục cây số là trời đã sáng, phải giấu xe vào rừng.

Năm ngày sau, chúng tôi đến nơi nhận máy. Từ kinh nghiệm chiến dịch Mậu Thân 1968, tôi và Hải chia ra mỗi người một xe, một máy cùng gạo và thực phẩm, đề phòng có sự cố nhằm hướng Nam tiến tới.

Suốt chặng đường miền Trung, khi có máy bay địch, các trận địa pháo cao xạ của ta thi nhau nhả đạn đỏ rực trên bầu trời để bảo vệ cho xe của ta. Để tránh nguy hiểm, chúng tôi tìm nhiều đường đi có lúc trên đường số 1, đường 12, đường 15..., nhưng cũng không tránh khỏi những trọng điểm đánh phá rất ác liệt của địch, đó là phà Bến Thủy, Quán Hàu, Khe Ring, Khe Tang, Thác Cóc, Ngầm Bùng, v.v... ở đó đêm nào cũng có các cô thanh niên xung phong cầm cờ trắng đứng hai bên đường làm cọc tiêu hướng dẫn xe qua.

Và bao giờ cũng có tiếng hò reo vẫy gọi của những con người nhỏ nhắn nhưng vô cùng dũng cảm. Thật đúng là "Tiếng hát át tiếng bom".

Vượt qua bờ Nam vào buổi sáng trời mù sương, đầu nguồn sông Bến Hải là con suối cạn. Hàng trăm chiếc xe tăng của ta ngụy trang kín đáo nằm chờ lệnh. Lính tăng thi nhau hỏi quê quán chúng tôi, ai cũng chỉ nói đặc biệt quê hương "cầu tõm" (Nam Định), "bánh gai đất" (Hải Dương) rồi cùng nhau phá lên cười khoái trá. Lính Trường Sơn coi đó là niềm vui.

Vượt qua đường 9 vào một đêm trời đầy sao. Con đường dài uốn lượn từ biên giới Lào đến tận cảng biển Cửa Việt. Nơi đây đã từng là hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra của Mỹ nhằm ngăn cản viện trợ của miền Bắc, nhưng nó đã hoàn toàn thất bại.

Đến sân bay Tà Cơn, đoàn xe phải dừng lại. Pháo sáng bùng lên sáng khắp vùng trời. Thấy sự nguy hiểm ở giữa sân bay mới giải phóng, bom đạn còn cài lại, máy bay trinh sát trên trời, thám báo biệt kích địch, v.v..., mọi người xuống xe nhốn nháo hỏi nhau chưa hiểu điều gì sẽ xảy đến. Chuyện là chiếc xe đi đầu sa xuống hố bom. Phía sau lính ta kéo dù chạm vào pháo bảo vệ sân bay. Tất cả tập trung khắc phục sự cố. Đoàn xe tiếp tục đi vào thung lũng Khe Sanh. Qua Làng Vây, đồi "Không Tên" nổi tiếng một thời đánh Mỹ của Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ cùng các đơn vị tiêu diệt quân Mỹ - ngụy, giải phóng hoàn toàn cứ điểm Khe Sanh.

Hai mươi ngày đêm hành quân vất vả, đoàn xe đến Ngã ba Sa Trầm thuộc huyện Hướng Hóa - Quảng Trị. Tôi được lệnh xuống ngã ba này. Nơi đây vừa bị loạt bom tọa độ làm đất đá tung tóe. Mùi thuốc bom vẫn còn khét lẹt. Lại mưa xối xả, tôi ngồi thu hình bên máy dưới mấy tàu lá chuối rừng. Cơn sốt rét năm xưa tái phát, song tôi yên tâm hơn vì trời mưa như thế này máy bay thường ít hoạt động.

Đêm đã qua, mưa tan dần, trời tang tảng sáng. Cuối dốc có tiếng người nói cười ầm ĩ. Mừng quá, anh em trong đơn vị ra đón tôi và khênh máy về trạm.

2. Mệnh lệnh năm ngày.

Từ ngã ba Sa Trầm thuộc huyện Hướng Hóa - Quảng Trị, đi bộ gần một ngày đường mới vào được trạm thông tin A77 tại cao điểm 1001 (Phou Hom).

Trạm nằm dưới mấy cây đại thụ cạnh con suối cạn, xung quanh là nương ngô và những thân cây đổ ngổn ngang cháy xém. Cách đó không xa là một bản của người Vân Kiều với khoảng vài chục nóc nhà dưới tán lá cây rừng.

Đồng chí Nguyễn Huy Văn - Tham mưu trưởng Trung đoàn 134 được điều vào trạm chỉ huy lắp đặt máy chuẩn bị cho chiến dịch, đồng chí giao nhiệm vụ cho tôi:

- Đồng chí phải lắp xong máy trong 5 ngày.

Ông hỏi tôi có khó khăn gì không. Tôi trả lời để ông yên tâm. Thực lòng tôi băn khoăn vì thời gian quá ngắn ấy với trình độ mới ra trường như tôi, loại máy mới vừa được Hung-ga-ri viện trợ. Thầy và trò còn bỡ ngỡ chưa dịch được tài liệu, nên nhà trường chỉ cho học 15 ngày.

Trung đoàn 134 Bộ Tư lệnh Thông tin cử anh Hiến vào hỗ trợ cho tôi. Anh Hiến khoảng 30 tuổi, vóc người to đậm, nét mặt phúc hậu với đôi mắt to tròn, miệng hay cười tủm tỉm dễ mến, có đôi bàn tay vàng về kỹ thuật tải ba của Trung đoàn 134. Nhìn anh tôi đoán là anh có kinh nghiệm nghề nghiệp nên tôi yên tâm hơn.

Hai anh em chưa tâm sự được nhiều thì phải bắt tay ngay vào việc.

Trong căn hầm vuông đào sâu xuống lòng đất, chiếc máy cồng kềnh cao hơn hai mét với năm mươi hộp nằm ngổn ngang cùng năm tập sơ đồ dày cộm, mạch điện chằng chịt nối từ tập này sang tập khác. Không hiểu anh Hiến tin tôi đến mức nào mà anh mặc cho tôi leo trèo hàn nối trên máy. Khi khó tôi hỏi anh mới bình tĩnh trả lời.

Suốt hai mươi bốn tiếng trong ngày làm việc dưới hầm căng thẳng, quên cả ăn, ngày thứ ba trôi qua mà máy vẫn đứng yên chưa hề có tín hiệu. Băn khoăn lo lắng, có lúc anh Hiếu cũng giống tâm trạng như tôi.

Tham mưu trưởng Nguyễn Huy Văn không lúc nào xa chúng tôi. Ông theo dõi mạng liên lạc TCT-1 đang hoạt động. Hết đứng lại ngồi, đi đi, lại lại, ông mong chờ sự thành công của chúng tôi từng giờ, từng phút. Dường như ông biết trước điều gì sắp xảy ra, rất quan trọng mà thuộc bí mật quân sự không cho phép ông nói ra điều ấy.

Nhớ lại ngày đầu vào quân ngũ, bài học "quân lệnh như sơn" đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ.

Ngày thứ tư, kiểm tra máy, đo lại trở kháng đường dây vào trong A80 và ra Bắc, cả hai hướng đều thông suốt, tín hiệu rõ, an toàn. Tôi và anh Hiến nhìn nhau thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng, vui mừng khó tả. Đôi mắt to tròn của anh Hiến thể hiện nụ cười hóm hỉnh, tự hào.

Chính trị viên đại đội Nguyễn Quang Đan cùng tham mưu trưởng Nguyễn Huy Văn vui cười siết chặt tay chúng tôi cùng những lời khen ngợi: "Tốt lắm, tốt lắm".

Điều gì sẽ xảy ra ở ngày thứ năm?

Đúng giờ quy định, lệnh nổ súng mở màn đợt 2 chiến dịch mùa Xuân 1972 phát đi từ Sở chỉ huy chiến dịch cho các đơn vị qua chiếc máy vừa ráp xong. Tiếng súng vang dội. Niềm vui dâng trào toàn trạm.

Suốt những trận chiến đấu từ sông Mỹ Chánh đến 81 ngày đêm chiến đấu giằng co vô cùng ác liệt tại Thành cổ Quảng Trị, mạng thông tin của trạm vẫn thông suốt, góp phần quan trọng cho bộ đội ta giữ vững Thành cổ Quảng Trị, tạo sức mạnh quân sự cho ta trên bàn đàm phán bốn bên tại Hội nghị Pa-ri. Cuối cùng đế quốc Mỹ phải cam kết rút khỏi miền Nam Việt Nam vô điều kiện để lại "hội chứng Việt Nam" trong lịch sử Hoa Kỳ.

Trong niềm vui bất tận, nhiều đồng chí trong trạm được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công.

Chứng kiến phút nổ súng lịch sử ấy tôi mới hiểu tại sao phải ráp máy với thời gian như vậy. "Mệnh lệnh 5 ngày" ý nghĩa biết chừng nào!

Ngày 9-9-2005

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”) 

0 comments:

Đăng nhận xét