15.1.25

Bảo đảm thông tin tại Tổng trạm của Bộ trong những năm chống Mỹ, cứu nước

Đại tá Bùi Mạnh Hồng - nguyên Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Thông tin liên lạc

Đầu năm 1966, sau khi kết thúc lớp đào tạo cán bộ sơ cấp chỉ huy thông tin tại Trường Sĩ quan Thông tin, với quân hàm chuẩn úy, tôi nhận quyết định về làm trợ lý tham mưu, phụ trách theo dõi hữu tuyến điện tại Tiểu đoàn 77 Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc, giữa lúc quân và dân miền Nam Việt Nam đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh quyết liệt; đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh leo thang dùng không quân đánh phá miền Bắc.

Thời kỳ đó, Tiểu đoàn 77 có nhiệm vụ bảo đảm toàn bộ thông tin liên lạc tại Tổng trạm của Bộ, phục vụ cho Bộ Chính trị, Bộ Tổng tư lệnh điều hành toàn diện cuộc kháng chiến. Tiểu đoàn 77 lúc đó biên chế gồm: 6 cán bộ tiểu đoàn, 1 trung tâm sửa chữa, 1 trạm kiểm soát vô tuyến điện và 8 đại đội, là Đại đội 3 vô tuyến điện, Đại đội 4 hữu tuyến điện, Đại đội 5 vô tuyến điện, Đại đội 6 hữu tuyến điện, Đại đội 7 cơ động, Đại đội 8 xe máy lớn, Đại đội 9 huấn luyện, Đại đội 13 tiếp sức. Quân số trung bình từ 800 đến 900 cán bộ, chiến sĩ.

- Về tổ chức mạng thông tin hữu tuyến điện: Đại đội 4 đảm nhiệm thông tin liên lạc khu vực nội thành Hà Nội, Đại đội 6 đảm nhiệm thông tin liên lạc khu vực ngoại thành Hà Nội.

- Về trang bị hữu tuyến điện: Gồm 5 tổng đài điện chung (do Trung Quốc viện trợ, sau đó được thay thế bằng 5 tổng đài P-198 của Liên Xô, đặt tại khu A trong thành Hoàng Diệu). Riêng tổng đài 5 chuyên phục vụ các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, các tổng đài khác phục vụ cho các Tổng cục và các cơ quan của Bộ Quốc phòng, trên dưới 1.000 máy lẻ loại CMA,CZ2.

Để bảo đảm tính bí mật và kịp thời, tại trực ban tác chiến Bộ Tổng tham mưu có tổ chức các đường trực tuyến đến nơi làm việc của Bác Hồ, các đồng chí trong Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Ngoài ra còn tổ chức đường trực tuyến đến trực ban các sở chỉ huy phòng không, không quân, Bộ chỉ huy phòng không Hà Nội, Ban phòng chống lụt bão Trung ương để kịp thời thông báo, báo động khi có máy bay của Mỹ xâm phạm vùng trời miền Bắc và Hà Nội, để kịp thông báo trên Đài truyền thanh Hà Nội và kéo còi báo động cho toàn dân biết.

Để bảo đảm cho hệ thống máy điện thoại và các đường thông tin trực tuyến, Đại đội 4 và Đại đội 6 phải quản lý, sửa chữa tới gần 300km cáp các loại, hàng ngàn kilômét dây bọc, bao gồm cáp ngầm có một số ít mới phát triển, còn lại hầu hết là cáp do Pháp để lại, quá cũ nên chất lượng thông tin liên lạc không được tốt lắm. Ngoài ra còn có một đường cáp 112 đôi nối từ trong thành đến vòm RV1 Cửa Nam để nhận các tín hiệu từ Bưu điện Bờ Hồ.

Các máy lẻ chủ yếu dùng máy do Trung Quốc sản xuất, đến cuối năm 1967, đầu năm 1968 mới được thay bằng tổng đài của Liên Xô sản xuất và một số ít máy lẻ từ thạch TA-57 là loại máy từ thạch tốt nhất lúc bấy giờ.

Về thiết bị điện báo: có tổ chức khai thác giữa Tổng trạm Bộ với các quân khu phía Bắc và Hải quân, qua mạch ảo hữu tuyến điện. Thiết bị đầu cuối thời gian đầu là máy chạy bằng tín hiệu Moóc, sau năm 1960 là T51, T55.

Để giải quyết việc giao nhận điện mã giữa thông tin và cơ yếu, Tiểu đoàn có tổ chức một trạm trung gian và trạm thu phát điện báo (trực thuộc tiểu đoàn).

Việc bảo đảm thông tin đường dài tới các quân khu, quân đoàn thời đó chủ yếu bằng tải ba dây trần. Máy tải ba chủ yếu của Trung Quốc (3ZD, ZM321). Sau này có được thay thế bằng các máy tải ba của Hung-ga-ri (BO-3, VBO-3, VBO-12). Do đặc điểm lúc đó, các tuyến dây trần thường bị máy bay Mỹ ném bom làm hư hỏng nên cán bộ, chiến sĩ phải khôi phục sửa chữa rất vất vả, mỗi khi có các tuyến cáp hoặc đường dây bị hư hỏng phải thức thâu đêm để nối thông liên lạc bảo đảm cho chỉ huy chiến đấu.

Về vô tuyến điện: tại Trung tâm thu, vô tuyến điện máy thu thời kỳ đó chủ yếu được trang bị loại 7512 (Trung Quốc) và P-250 (Liên Xô). Tại trung tâm phát dùng máy phát 91Z có công suất 150W để bảo đảm liên lạc bằng vô tuyến điện với các chiến trường. Đại đội thông tin cơ động (Đại đội 7) gồm 7 xe UAZ được trang bị máy vô tuyến điện 15W chuyên dùng phục vụ các chuyến đi công tác của Bác Hồ và các đồng chí trong Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng và để đưa đón các đoàn khách nước ngoài đến thăm.

Tôi nhớ nhất lần gặp Bác Hồ vào dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5 năm 1969, tôi cùng với một số đồng chí cán bộ trực máy thông tin tại Hội trường Ba Đình. Dự mít tinh xong, Bác Hồ ra về. Khi ra đến hành lang phía sau Hội trường, gặp mấy chị văn công của Tổng cục Chính trị đến biểu diễn, Bác hỏi: Các cháu làm gì vậy? Các chị đồng thanh trả lời: Thưa Bác, chúng cháu chuẩn bị biểu diễn ạ! Người gật đầu và nói: Các cháu hãy hát cho thật hay nhé! Rồi Người đi ra phía sau của Hội trường, tôi đứng lặng, nhìn theo bóng Bác. Hình ảnh Người không bao giờ phai nhạt trong tâm trí của tôi.

Từ ngày 5 tháng 8 năm 1964 khi đế quốc Mỹ bắt đầu leo thang chiến tranh phá hoại bằng máy bay ra miền Bắc đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, việc bảo đảm thông tin liên lạc từ Tổng trạm của Bộ đến các chiến trường thật là khó khăn vất vả, khối lượng công việc ngày một tăng. Trung bình một ngày tại Tổng trạm thông tin phải chuyển nhận trên 1.000 bức điện. Các chiến sĩ tổng đài dưới hầm sâu phải tiếp chuyển hàng ngàn cuộc đàm thoại. Có lần, giặc Mỹ bắn tên lửa trúng vào vị trí đóng quân của Đại đội 4 làm 3 đồng chí hy sinh và một số đồng chí khác bị thương. Với tinh thần quyết tâm cao độ, toàn thể cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 77 đã khắc phục khó khăn với khẩu hiệu "Miền Nam gọi miền Bắc trả lời, tất cả vì miền Nam ruột thịt" đã không quản hy sinh luôn giữ cho mạch máu thông tin liên lạc thông suốt bảo đảm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, lãnh đạo chỉ huy quân và dân cả nước tiến lên giành thắng lợi, góp phần chuẩn bị cho giai đoạn giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Giờ đây đất nước đã hoàn toàn thống nhất. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang bước vào thời kỳ đổi mới, thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. Nhớ lại những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tôi rất tự hào là một cán bộ đã làm việc tại Tiểu đoàn 77 trong giai đoạn khó khăn nhất của cuộc kháng chiến, góp phần rất nhỏ bé cùng đồng chí đồng đội bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ cho chỉ huy chiến đấu. Năm tháng đã qua đi, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 77 giờ đây có đồng chí đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác; có những đồng chí đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, tất cả đã góp sức mình làm nên chiến thắng. Hôm nay, nhân kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống của tiểu đoàn, tôi ghi lại mấy dòng suy nghĩ về thời gian đã qua, mong rằng lớp lớp cán bộ, chiến sĩ hôm nay của tiểu đoàn hãy phát huy truyền thống vẻ vang của Tiểu đoàn 77 Anh hùng trong thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hãy đem hết sức lực của mình hoàn thành tốt nhiệm vụ để không ngừng tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Tiểu đoàn, góp phần xây dựng Lữ đoàn 205 Binh chủng Thông tin ngày càng lớn mạnh.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”) 

0 comments:

Đăng nhận xét