QĐND - Cuộc Cách mạng công nghiệp
4.0 làm cho công nghệ viễn thông phát triển nhanh chóng. Thậm chí, lĩnh vực
quân sự thay đổi từng ngày, từng giờ.
Chính vì thế, "vòng đời"
các loại trang bị thông tin liên lạc (TTLL) quân sự không dài. Trong khi đó nguồn
vật tư kỹ thuật phục vụ cho công tác bảo đảm kỹ thuật (BĐKT) gặp không ít khó
khăn. Những vấn đề trên đòi hỏi Binh chủng TTLL phải nhanh chóng nắm bắt và làm
chủ các công nghệ tiên tiến, hiện đại để khai thác, làm chủ cũng như nghiên cứu,
chế tạo trang bị kỹ thuật (TBKT).
Phát triển đúng hướng, khẳng
định vai trò đơn vị nòng cốt
Để duy trì hệ thống TTLL
quân sự hoạt động ổn định, vững chắc, bên cạnh việc đầu tư, đặt hàng mua sắm kết
hợp với tự nghiên cứu sản xuất bổ sung trang thiết bị TTLL mới, hiện đại về
công nghệ, Binh chủng TTLL luôn chú trọng trong công tác BĐKT cho hệ thống. Các
loại trang bị được đưa vào sử dụng với số lượng lớn, bố trí, làm việc ở các môi
trường khắc nghiệt (mang tính đặc thù quân sự cao) nên công tác quản lý, khai
thác, BĐKT đòi hỏi phải nâng lên một tầm cao mới; đặc biệt là phải có đủ khả
năng làm chủ trang bị thông tin công nghệ mới, phát triển các hình thức mới
trong tổ chức thực hiện.Lãnh đạo Binh chủng Thông tin liên lạc thăm, kiểm tra các sản phẩm do Công ty Thông tin điện tử Z755 nghiên cứu, sản xuất. Ảnh: Nam Anh.
Trong số các đơn vị thuộc Binh chủng TTLL, Trung tâm Kỹ thuật Thông tin công nghệ cao (viết tắt là Trung tâm) được Binh chủng xác định là cơ sở BĐKT và nghiên cứu, đầu ngành về TTLL quân sự, có nhiệm vụ tham mưu, tư vấn, xây dựng, phát triển và BĐKT TTLL. Là đơn vị tư vấn, tham mưu để định hình phát triển từng loại hình TTLL quân sự theo hướng công nghệ kỹ thuật hiện đại; công tác BĐKT cũng do Trung tâm làm nòng cốt. Tiền thân là Đội sửa chữa bảo quản, bảo dưỡng hệ thống đường trục cáp quang, thuộc Cục Kỹ thuật Binh chủng, giai đoạn đầu chỉ với 20 cán bộ, kỹ sư, đến nay, Trung tâm đã phát triển vượt bậc với hàng trăm cán bộ, nhân viên chuyên môn có trình độ chuyên môn sâu.
Sự phát triển của Trung tâm
là đòi hỏi tất yếu từ thực tiễn và phù hợp với chủ trương của Đảng ủy Binh chủng,
đó là cần phải chủ động quy hoạch hệ thống cơ sở BĐKT có chiều sâu, theo vùng
miền, phù hợp với tổ chức biên chế và TBKT; đổi mới cơ chế và phương thức BĐKT
phù hợp với sự phát triển của công nghệ và hệ thống thông tin. Đầu tư nâng cao
năng lực toàn diện cho các cơ sở BĐKT, trong đó ưu tiên cơ sở BĐKT cấp chiến lược
nhằm thực hiện tốt cả nhiệm vụ BĐKT và nghiên cứu cải tiến trang bị.
Chia sẻ về quá trình làm chủ
công nghệ mới và tự chủ trong công tác BĐKT, Thượng tá Nguyễn Anh Hào, Phó Giám
đốc Trung tâm bày tỏ: Từ đầu những năm 90 của thế kỷ 20, hệ thống TTLL quân sự
bắt đầu thực hiện số hóa với các trang bị, phương tiện hiện đại mua sắm từ châu
Âu, điển hình là hệ thống tổng đài kỹ thuật số, máy vô tuyến điện... Trong giai
đoạn này, điểm sáng nổi bật của Trung tâm là duy trì BĐKT cho hệ thống thông
tin vô tuyến điện XK852. Trong khoảng 7 năm đầu, hãng sản xuất vẫn hỗ trợ BĐKT,
nhưng do tốc độ phát triển điện tử rất nhanh nên các loại linh kiện cũ để thay
thế không còn. Để có thể tự BĐKT, Trung tâm đã cử lực lượng đi các nước châu Âu
tiếp thu công nghệ, sau đó về tham mưu cho lãnh đạo Binh chủng và tổ chức huấn
luyện, đào tạo lại cho lực lượng của Trung tâm và các đơn vị để khai thác, sử dụng
cũng như trực tiếp BĐKT. Nhờ đó, giai đoạn 2000-2010, việc sửa chữa, chế thử
các mô-đun cho máy vô tuyến điện hoàn toàn do Trung tâm thực hiện.Tiểu đoàn 79, Lữ đoàn 205, Binh chủng Thông tin liên lạc làm chủ khí tài VSAT mang vác. Ảnh: Nam Anh.
Trong điều kiện hệ thống cơ sở BĐKT chưa đồng bộ; vật tư, trang bị, phương tiện phục vụ công tác sửa chữa, cất giữ TBKT thông tin chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Binh chủng chủ động đầu tư kiện toàn, củng cố, nâng cấp các cơ sở BĐKT trong toàn quân theo từng vùng, miền, hướng chiến lược, hình thành hệ thống BĐKT thông tin ở cả 3 cấp chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, không để có vùng trắng, vùng trống trong BĐKT; đầu tư nâng cao năng lực cho các cơ sở BĐKT, trong đó ưu tiên cơ sở BĐKT cấp chiến lược nhằm thực hiện tốt cả nhiệm vụ BĐKT, nghiên cứu cải tiến trang bị, tạo nguồn vật tư kỹ thuật.
Trên cơ sở phân tích điều kiện
môi trường làm việc của trang bị, công nghệ chế tạo, vòng đời công nghệ để xác
định tuổi thọ trung bình của từng trang bị, từ đó áp dụng các biện pháp BĐKT ở
từng thời điểm phù hợp. Bước đầu tổ chức thực hiện BĐKT theo chu kỳ, vòng đời
cho các trang bị thông tin khai thác tại khu vực có điều kiện thời tiết khắc
nghiệt, trọng yếu (khu vực biển, đảo, biên giới) đã cho kết quả tích cực. Tỷ lệ
hư hỏng của các trang thiết bị giảm từ 30% xuống còn dưới 5%. Việc BĐKT theo hướng
này phát huy được khả năng phòng ngừa, hạn chế được hư hỏng cũng như chủ động
trong công tác sửa chữa trang bị nhằm duy trì hệ thống TTLL thông suốt.
Để kịp thời bảo đảm TBKT, sửa
chữa, khắc phục các sự cố TTLL, Binh chủng đổi mới cơ chế phân cấp BĐKT theo
phương châm "3 tại chỗ, 1 từ xa": Chỉ huy, điều hành tại chỗ; lực lượng
tại chỗ; phương tiện, dụng cụ, vật tư tại chỗ và chỉ đạo, hướng dẫn hỗ trợ kỹ
thuật từ xa. Đầu tư xây dựng 86 tổ BĐKT cơ động tại các đơn vị trực thuộc và
toàn quân với trang bị đầy đủ, đồng bộ, kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm tốt kỹ
thuật cho các nhiệm vụ đột xuất. 5 năm qua, Binh chủng đã bảo quản gần 325.000
lượt, bảo dưỡng hơn 141.500 lượt, trên 1.600 trạm thông tin kỹ thuật số, góp phần
quan trọng nâng cao chất lượng hệ thống TBKT TTLL.
Thiếu tướng Vũ Viết Hoàng,
Tư lệnh Binh chủng TTLL khẳng định: Với tầm nhìn chiến lược và hướng đi đúng đắn
của Đảng ủy Binh chủng TTLL, đến nay, 100% các đầu mối BĐKT đủ điều kiện sửa chữa
theo phân cấp, các cơ sở BĐKT thông tin quân sự đã sửa chữa được 80% hư hỏng;
100% hệ thống kho cấp chiến dịch, chiến lược được cải tạo nâng cấp, trước mắt bảo
đảm đủ điều kiện cất giữ TBKT thông tin. Binh chủng TTLL luôn quan tâm áp dụng
giải pháp chống tác động của môi trường đến trang bị; bước đầu thực hiện BĐKT
theo niên hạn vòng đời cho các đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển
và một số đơn vị Phòng không-Không quân, Bộ đội Biên phòng làm nhiệm vụ bảo vệ
chủ quyền biển, đảo, biên giới đạt kết quả rất tốt.
Đầu tư chiều sâu công nghệ,
tạo đột phá trong nghiên cứu, sản xuất
Binh chủng TTLL đã tiên
phong đầu tư chiều sâu công nghệ. Từ chỗ chỉ bảo đảm, khai thác, lắp đặt, sửa
chữa những hư hỏng nhẹ của trang bị công nghệ cao, đến nay, Binh chủng đã
nghiên cứu thiết kế chế thử, cải tiến, sản xuất được nhiều TBKT thông tin và vật
tư thay thế cho các TBKT thông tin công nghệ cao, ứng dụng hiệu quả trong hệ thống
TTLL quân sự. Tiêu biểu như: Bộ tích hợp đa dịch vụ; thiết bị chuyển mạch lớp
3; thiết bị viba quân sự; máy vô tuyến điện sóng ngắn nhảy tần công suất 125W,
máy phát vô tuyến điện sóng ngắn công suất lớn 500W, 1kW; bảng mạch tổng đài
T128N, TZ32; khối BUC, LNB, loa phát xạ, phụ kiện anten cho các trạm VSAT, thiết
bị kết nối đa mạng, anten NVIS cơ động... Nhiều sản phẩm có tính đột phá, tạo
bước ngoặt cho xu hướng phát triển tính năng, dịch vụ mới của trang bị, sử dụng
tương đương các trang bị mua của nước ngoài nhưng giá thành rẻ và không bị phụ
thuộc trong công tác BĐKT.
Cùng với hiện đại hóa trang
bị TTLL là sự thay đổi lớn về công nghệ chế tạo, điều đó yêu cầu sự phù hợp
trong công tác BĐKT cả về phương thức tổ chức và nội dung thực hiện. Giai đoạn
2020-2024, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh chủng lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh nghiên cứu,
thiết kế, chế tạo TBKT thông tin và vật tư kỹ thuật thông tin. Theo đó, phương
thức sửa chữa từ thay thế linh kiện sang thay thế bảng mạch, khối, cụm. Các cơ
sở BĐKT cấp chiến lược được giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất vật tư dạng bảng
mạch, khối, cụm. Các cơ sở BĐKT cấp chiến dịch tổ chức sửa chữa bằng phương
pháp thay thế.
Trước sự phát triển mạnh mẽ
của khoa học kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực viễn thông, hệ thống TTLL quân sự
thường xuyên được đầu tư, bổ sung các trang bị TTLL mới, hiện đại. Để làm chủ
được các chủng loại trang bị thông tin thế hệ mới, Binh chủng TTLL đã chú trọng
nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, coi đây là một
trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng hàng đầu để phát triển hệ thống TTLL
quân sự hiện đại; đồng thời chủ động trong công tác BĐKT, góp phần bảo đảm
trang bị, giảm sự phụ thuộc về công nghệ của nước ngoài. Tập trung nghiên cứu ứng
dụng các công nghệ mới, công nghệ nền, tận dụng những công cụ, kết quả nghiên cứu
đã có trong nước và trên thế giới, nhanh chóng tiếp cận, làm chủ khai thác, thiết
kế chế tạo vật tư kỹ thuật, trang thiết bị có tính năng tương đương thay thế
thiết bị nhập ngoại.
Đến nay, đội ngũ cán bộ làm
công tác nghiên cứu khoa học của Binh chủng đã làm chủ được một số công nghệ hiện
đại trong thiết kế, chế tạo thiết bị viễn thông như: Sử dụng linh kiện khả
trình (FPGA); xử lý số tín hiệu (DSP); vi xử lý, vi điều khiển (on-chip) tốc độ
cao; công nghệ nhúng (ARM); công nghệ vô tuyến định nghĩa bằng phần mềm (SDR);
công nghệ IP; các kỹ thuật công nghệ về mã hóa tín hiệu (VOCODER), nhảy tần, tự
động thiết lập đường truyền (ALE); kỹ thuật siêu cao tần; kỹ thuật thiết kế mạch
in nhiều lớp; hệ thống quản lý khai thác trang bị tập trung EMS/NMS,... Những sản
phẩm nghiên cứu của Binh chủng đều có chất lượng, nhiều sản phẩm có tính đột
phá về khả năng bảo mật, nhảy tần, chống tác chiến điện tử dùng riêng cho thông
tin quân sự. Những năm qua, Binh chủng đã đưa hàng nghìn sản phẩm nghiên cứu
vào sử dụng để bảo đảm vật tư, trang bị cho hệ thống TTLL quân sự.
(còn nữa)
Nhóm phóng viên
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn báo QĐND)
0 comments:
Đăng nhận xét