Đoàn Minh Chức - nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn
thông tin 29 Quân đoàn 3
Bước vào Đông Xuân 1974-1975, sau một năm bị tiến công
toàn diện và liên tiếp bị thất bại, quân ngụy trên đà suy yếu nhanh, khả năng
phản ứng của Mỹ ngày càng khó khăn hơn. Trên chiến trường Tây Nguyên, sau các trận
bị tiêu diệt ở các căn cứ Chư Nghé, Ya Súp, Đắc Pét, cùng với các cuộc càn quét
lấn chiếm thất bại, địch ở Tây Nguyên lâm vào thế bị động buộc chúng phải co về
phòng ngự chốt giữ các mục tiêu chủ yếu và địa bàn quan trọng.
Phân tích nhận định mạnh - yếu của địch, khả năng trở
lại của Mỹ và kết quả chuẩn bị thế mới, lực mới của ta, Bộ Chính trị đã hạ quyết
tâm chiến lược: Giải phóng miền Nam.
Ngày 21 tháng 1 năm 1975 Bộ chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên
đã chính thức nhận lệnh của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ:
Giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột. Đây là nhiệm vụ chủ yếu.
Lực lượng thông tin Mặt trận Tây Nguyên (B3) được kiện
toàn tổ chức biên chế. Trước đó ngày 2 tháng 9 năm 1974 Trung đoàn 29 thông tin
đã được thành lập gồm 4 tiểu đoàn (d26, d2, d3, d huấn luyện), 1 đại đội (c36)
và xưởng sửa chữa (X42).
Bước vào chiến dịch, được Bộ Tư lệnh Thông tin tăng cường
Tiểu đoàn 2 hỗn hợp và Tiểu đoàn 4 tiếp sức cùng với một số lượng lớn phương tiện
khí tài thông tin. Để đảm bảo tuyệt đối bí mật, an toàn trong suốt quá trình
chuẩn bị, thông tin chiến dịch được giao nhiệm vụ tổ chức nghi binh thông tin
liên lạc. Các trung tâm thông tin vô tuyến điện của chiến dịch tổ chức thường
xuyên ổn định tại chỗ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chiến đấu hiệp đồng
binh chủng. Đồng thời thông tin chiến dịch đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ
trên nhiều địa bàn rừng núi, sông, suối với không gian phạm vi chiến dịch rộng,
chấp hành tốt nhiệm vụ tổ chức nghi binh thông tin liên lạc lừa địch, triển
khai đồng bộ các phương tiện bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn; khiến cho địch
không phán đoán được ý đồ mở chiến dịch Tây Nguyên của ta.
Mặt trận Tây Nguyên đã triển khai 3 sở chỉ huy của 3 sư
đoàn (10, 316 và 320) với đầy đủ các phương tiện thông tin phục vụ cho Bộ chỉ
huy chiến dịch chỉ huy 6 cụm lực lượng chiến đấu bảo đảm thông tin liên lạc vượt
cấp đến một số đơn vị chủ lực và các đơn vị địa phương ở Gia Lai, Kon Tum. Quá
trình diễn biến chiến dịch chất lượng thông tin liên lạc thường xuyên bảo đảm
thông suốt, ổn định
Với sức tiến công mạnh như vũ bão của lực lượng vũ trang
cách mạng, sư đoàn 23 ngụy bị Quân giải phóng tiến công dữ dội, đường 19 bị cắt
đứt, Plây Ku, Kon Tum bị bao vây, thị xã Buôn Ma Thuột đã bị quân ta kiểm soát.
Ngày 14 tháng 3 năm 1975 tổng thống Nguyễn Văn Thiệu
bay ra Nha Trang thị sát và dự họp ở Cam Ranh. Tham gia cuộc họp có: Cao Văn
Viên, Trần Thiện Khiêm, Đặng Văn Quang và tướng Phạm Văn Phú - Tư lệnh Quân đoàn
2 ngụy. Thiệu quyết định: rút toàn bộ lực lượng ở Tây Nguyên theo đường số 7 về
giữ đồng.
Đêm 14 rạng ngày 15 tháng 3 năm 1975, theo trinh sát của
ta báo cáo về: tướng Phú bí mật triển khai kế hoạch rút quân. Phú lệnh cho cấp
dưới: phải rút nhanh, giữ bí mật, không được thông báo cho các tỉnh trưởng. Người
địa phương của quân đoàn là người Thượng thì trả về với cao nguyên.
19 giờ ngày 16 tháng 3 năm 1975, đồng chí Văn Tiến Dũng
- Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã giao nhiệm vụ cho Bộ chỉ
huy chiến dịch và lệnh cho Sư đoàn 320 nhanh chóng cơ động lực lượng đánh chặn địch
rút chạy trên đường số 7. Sư đoàn 320 còn được tăng cường thêm Trung đoàn bộ
binh 95B, 1 tiểu đoàn xe tăng và một phân đội pháo binh của Trung đoàn 675.
11 giờ 30 phút ngày 18 tháng 3 năm 1975, lực lượng thông
tin của Trung đoàn 29 đã kịp thời bắt liên lạc với lực lượng thông tin của Sư
đoàn 320 kịp thời chuyển lệnh cho Phân đội 9 hành quân lên chặn địch ở Cheo
Reo. Đây là một chiến công xuất sắc của tổ thông tin truyền đạt thuộc Trung
đoàn 29, đồng chí Hải - chính trị viên phó tiểu đoàn trực tiếp chỉ huy truyền lệnh
kịp thời tới Sư đoàn 320 đánh địch giải phóng thị xã Cheo Reo và truy kích tiêu
diệt địch trên đường số 7, đập tan ý định bỏ Tây Nguyên co cụm giữ đồng bằng. Tổ
thông tin truyền đạt đã được Bộ Tư lệnh chiến dịch công bố tặng thưởng Huân
chương Chiến công Giải phóng hạng Ba.
Trong 20 ngày đêm chiến đấu (từ ngày 9 đến 24-3-1975)
thông tin chiến dịch của Trung đoàn 29 đã phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các
đơn vị thông tin của các đơn vị binh chủng hợp thành bảo đảm thông tin liên lạc
kịp thời, bí mật, thông suốt vững chắc cho Bộ chỉ huy chiến dịch chỉ huy các
đơn vị chiến đấu, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng Quân khu 2 ngụy, giải
phóng thị xã Buôn Ma Thuột và toàn bộ các tỉnh thuộc Tây Nguyên.
Chiến dịch Tây Nguyên lịch sử mở đầu cho cuộc Tổng tiến
công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Thông tin trong chiến dịch Tây Nguyên được Bộ chỉ huy
chiến dịch đánh giá "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ". Quá trình
chiến đấu bảo đảm thông tin liên lạc cho Mặt trận Tây Nguyên (B3) và chiến dịch
Tây Nguyên, Trung đoàn 29 thông tin thuộc Quân đoàn 3 được Nhà nước tặng thưởng
danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”)
0 comments:
Đăng nhận xét