Đàm Văn Ngọ - nguyên cán bộ Đại đội 13, Tiểu đoàn 4 vô tuyến tiếp sức
Giữa tháng 7 năm 1972, Đại đội 13 đang làm nhiệm vụ bảo
đảm thông tin vô tuyến điện tiếp sức tại Sở chỉ huy Mặt trận B5 thì nhận được lệnh
lên đường chi viện cho các lực lượng đang chiến đấu giằng co với địch để bảo vệ
Thành cổ Quảng Trị.
Tiểu đội chúng tôi gồm: Hoàng Văn Tịch - Trạm trưởng, Hoàng
Văn Bỉnh - cơ công, Nguyễn Văn Kiểu, Đàm Văn Ngọ, Nùng Chí Sìn và Nguyễn Văn Đạt
là học viên Học viện Chính trị đi thực tế ở chiến trường. Chúng tôi phấn khởi
nhận nhiệm vụ và khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho trận chiến đấu mới! Vô cùng
gian khổ và ác liệt.
Nhiệm vụ của chúng tôi là: Bằng mọi giá phải vào được Thành
cổ Quảng Trị. Bảo đảm liên lạc vô tuyến điện tiếp sức từ Sở chỉ huy Trung đoàn
48 thuộc Sư đoàn 312 về Sở chỉ huy mặt trận! Được trang bị hai cơ số máy và các
thiết bị kèm theo, chúng tôi tháo dỡ 2 cỗ máy trên xe Bắc Kinh. Tất cả đều được
cho vào balô, túi đựng. Sáu con người phân công nhau, mang vác trên vai, ngày
đêm trèo đèo, lội suối dưới làn bom đạn của địch từ các pháo hạm ở ngoài biển bắn
vào và máy bay địch liên tục quần đảo, trút bom đạn xuống bất cứ nơi nào mà
chúng nghi ngờ có lực lượng của ta chốt giữ. Mặt đất bị cày xới. Hố bom chồng
lên nhau, cây cối gãy đổ ngổn ngang, nhà cửa đổ nát, làng xóm tan hoang, xơ
xác. Khét lẹt mùi thuốc súng và súc vật bị cháy xém...!
Qua dãy Trường Sơn, chúng tôi đã tới Cam Lộ, vùng Cùa,
rồi qua Dốc Miếu, Cồn Tiên... Phải mất một tuần lễ, chúng tôi mới tới được trạm
vô tuyến điện tiếp sức đặt tại Triệu Phong - Quảng Trị.
Đến đây chúng tôi phải nghỉ mất 3 ngày để chờ giao liên
dẫn đường. Mọi người và khí tài mang theo đều an toàn. Nơi đây là vùng đệm của
Thành cổ Quảng Trị. Vì thế 24/24 giờ trong ngày không khi nào ngớt tiếng súng. Không
khí thật căng thẳng và ảm đạm! Tất cả những gì dã man, khủng khiếp nhất của chiến
tranh đã được phơi bày trên mảnh đất này.
Đêm thứ 3 (tức là đã 10 ngày chúng tôi rời khỏi Sở chỉ
huy mặt trận) mới có giao liên đến dẫn đường, phải đi vào ban đêm để tránh máy
bay và pháo tầm xa của địch. Từ Triệu Phong, chúng tôi vượt qua sân bay Ái Tử tới
làng Nhan Biều, bờ phía bắc sông Thạch Hãn. Nơi đây cuộc sống cực kỳ khó khăn.
Suốt ngày đêm phải sống dưới hầm luôn ngập nước. Lúc này trời đã bắt đầu mưa,
nước sông dâng cao, kéo theo nhiều cành cây to trôi lờ lững trên mặt nước. Từ
Triệu Phong tới đây chúng tôi đi mất 2 đêm. Pháo sáng của địch lơ lửng trên bầu
trời như sao trời từng chùm lấp lánh. Thỉnh thoảng lại có những làn đạn pháo đỏ
rực, xé toạc màn đêm - bóng dáng con người lúc ẩn lúc hiện trong đêm tối.
Chúng tôi chuẩn bị vượt sông Thạch Hãn. Tất cả khí tài,
súng đạn và mọi vật dụng đem theo đều được bọc kín trong các túi nilon dày làm
thành phao để người bám vào đẩy mang qua sông cho đỡ tốn sức. Trước mắt chúng
tôi là Thành cổ Quảng Trị, trông rất gần! Thế mà chúng tôi phải vật lộn với
sông nước hàng giờ mới sang được bờ phía Nam sông Thạch Hãn.
Lúc đầu xuất phát sức trẻ còn dồi dào, nên vẫn giữ được
đội hình. Càng về sau, sức chịu đựng đã giảm, nước sông chảy mạnh. Ai cũng thấy
lạnh và thấm mệt nên dòng nước đã cuốn trôi mỗi người một ngả. Tôi mò mẫm lần
theo bờ sông, ngược về phía Thành cổ. Người mệt nhoài, mặt mũi hốc hác! Thấy
tôi tới nơi, quần áo ướt sũng, vai mang, tay xách, lỉnh kỉnh, mọi người sửng sốt,
mừng rỡ vây quanh tôi, hỏi han đủ thứ chuyện...
Nhìn vào số khí tài tôi đem đến không đồng bộ, nên không
thể triển khai thông tin được. Ai cũng xuýt xoa, thất vọng! Các đồng chí ở Đại
đội 18 thông tin Trung đoàn 48 đã cử một tiểu đội đi tìm 5 đồng chí và số lượng
lớn khí tài còn đang thất lạc (Tịch, Bình, Sìn, Kiểu, Đạt). Mãi 20 giờ tối tất
cả anh em và toàn bộ khí tài, trang bị đem theo đã được đưa về đơn vị đầy đủ và
an toàn.
Chúng tôi xuống hầm, đốt lửa sấy khô khí tài và lắp đặt
máy, dựng ăngten. Trong chốc lát đã nối thông liên lạc với Sở chỉ huy Mặt trận
B5. Mọi người hết sức mừng rỡ, thủ trưởng Trung đoàn 48 trực tiếp báo cáo tình
hình với Tư lệnh mặt trận. Với gương mặt cương nghị và nụ cười rỡ, đồng chí đã
biểu dương, khen ngợi toàn trạm và động viên chúng tôi tiếp tục vượt qua mọi
khó khăn thử thách, bảo đảm thông tin thông suốt, vững chắc, phục vụ chiến đấu thắng
lợi! Lúc này kim đồng hồ đã chỉ 22 giờ đêm.
Trong 10 ngày đầu của tháng 8, chúng tôi tổ chức canh liên
tục 24/24 giờ để thay thế cho liên lạc hữu tuyến điện. Bởi bom đạn của địch
đánh phá liên tục, mặt đất bị cày xới nhiều tầng nhiều lớp, đường dây bị bắn
nát nên việc khôi phục gặp rất nhiều khó khăn, chậm trễ. Nhiều chiến sĩ thông
tin đã bị thương vong trong lúc đi khôi phục lại đường dây bị đứt. Trạm vô tuyến
điện tiếp sức đã trở thành kênh thoại duy nhất của chỉ huy Thành cổ nối với Sở
chỉ huy mặt trận.
Trạm vô tuyến điện tiếp sức của chúng tôi được đặt dưới
hầm ngầm tòa nhà của viên tỉnh trưởng Quảng Trị, đồng thời cũng là sở chỉ huy của
Trung đoàn 48. Còn ăngten vẫn đặt trên gò đất cao ngoài cửa hầm. Vì vậy bom đạn
của địch liên tục phá gãy. Cuối cùng cột ăngten cũng nát vụn. Chúng tôi phải
dùng những đoạn gỗ làm củi đun để đẽo gọt chắp nối lại làm ăngten dã chiến. Thế
mà chất lượng thông tin vẫn đảm bảo.
Chiến sự diễn ra ngày càng ác liệt, bom đạn cày xới, khói
bụi mù mịt. Sở chỉ huy ngày đêm rung lên vì bom đạn và pháo của địch từ hạm đội
của chúng ở ngoài biển bắn vào. Cả Thành cổ như cái chảo rang khổng lồ đang
phát hỏa. Hai đồng chí Kiểu và Sìn bị thương phải chuyển về tuyến sau điều trị.
Trạm vô tuyến điện tiếp sức của chúng tôi còn 3 người,
tiếp tục bám trụ để giữ vững Thành cổ. Ăngten của chúng tôi lại bị gãy nát cả cột
lẫn dàn phát sóng. Bên ngoài không thể chi viện vào được, vật liệu tại chỗ thì
khan hiếm, chắp vá. Vì vậy trên cho phép chúng tôi cứ đầu giờ mở máy làm việc,
một người phải thoát ra cửa hầm, nấp mình trong đống gạch đổ nát để giữ ăngten.
Hết giờ làm việc lại đưa vào hầm cất giữ, tránh bom đạn phá hỏng. Công việc cứ
lặp đi lặp lại như vậy hơn 1 tháng trời, cực kỳ căng thẳng và mạo hiểm. Tất cả
vì mạch máu thông tin không thể ngừng chảy.
Giữa tháng 9 năm 1972, chúng tôi nhận được lệnh cắt liên
lạc và rút khỏi Thành cổ.
Thế là 3 anh em còn lại, phải mang tất cả 2 cơ số máy,
ắc quy và máy nổ được phép giao lại cho Đại đội 18 thông tin của Trung đoàn 48.
Đêm hôm ấy, chúng tôi lại vượt sông, từ phía bờ Nam sông
Thạch Hãn trở lại phía bờ Bắc. Lúc này thương binh rất nhiều, nên mọi xuồng cao
su, thuyền nan... đều ưu tiên để chở thương binh. Chúng tôi lại lấy nilon bọc
kín khí tài để làm phao vượt sông. Lần này có kinh nghiệm hơn và mang vác cũng
nhẹ hơn nên việc qua sông cũng đỡ vất vả hơn rất nhiều.
Đồng chí Tịch được giao liên dẫn đường nên về đơn vị sớm
hơn. Tôi và Bỉnh bị lạc, đi tới thị xã Đông Hà, Xuân Phú. Phải mất hơn 1 tuần
hai chúng tôi mới về tới đơn vị đang
đóng quân ở Bãi Hà. Gặp lại nhau mừng mừng, tủi tủi... Lúc ra đi có 6 người trở
về chỉ còn 3. Chúng tôi bùi ngùi xúc động thương tiếc đồng đội...
Sau chiến dịch, chúng tôi đều được tặng thưởng huân chương
cho tập thể và cá nhân. Riêng tôi được thăng quân hàm từ Binh nhất lên Hạ sĩ.
Thấm thoắt đã gần 40 năm, mà những kỷ niệm xưa vẫn còn
sống động mãi trong tôi. Giờ đây mái tóc đã pha sương, mọi người đã lên chức
ông nội, ông ngoại. Nhưng chúng tôi rất tự hào được làm chiến sĩ thông tin tiếp
sức, góp phần nhỏ bé của mình trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị
mùa hè năm 1972 lịch sử.
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”)
0 comments:
Đăng nhận xét