22.1.25

Tình tôi trên đỉnh Bù Cho

Lê Thanh Thế - nguyên Trung đội phó Đại đội 12, Tiểu đoàn 4

Tháng 3 năm 1965 khi giặc Mỹ điên cuồng bắn phá miền Bắc nước ta nhằm ngăn chặn sự tấn công anh dũng của đồng bào miền Nam, Tiểu đội 1 thuộc Đại đội 12 được lệnh bàn giao cao điểm X72 (Ba Vì) cho Đại đội 15 và được tăng cường cho X73 (cao điểm Bù Cho ở miền Tây (Thanh Hoá). Chúng tôi hành quân đi trong 4 ngày thì vào tới nơi. Núi rừng trùng điệp, từ nơi Trạm 1 mà lên đến đỉnh phải qua 3 trạm mỗi trạm đi mất 4-5 giờ vượt qua 2 con sông, 9 con suối và nhiều đèo dốc, có những dốc được mệnh danh là dốc 45, dốc Bù Đầu, dốc Hết Hơi, cây gỗ "Ông Bạo" (Ông Bạo là trung đoàn trưởng vào thăm X73, khi leo lên dốc thì có cây gỗ to chặn ngang không tự leo qua được, phải ôm lấy cây gỗ này và có người giúp). Vượt qua những cái dốc này phải mất từ 45 phút đến một giờ, phải nói trên cao điểm Bù Cho thường xuyên không nhìn thấy đỉnh núi mà chỉ nhìn thấy cảnh một màu xanh bạt ngàn, núi thì đội mây, mây thì ôm núi, đứng lên đỉnh nhìn xuống chỉ là những lớp mây bồng bềnh trắng xoá, trông như biển cả, vào mùa hè ngày nào đẹp trời thì mới nhìn thấy một phần của đỉnh Bù Cho. Ở trên đỉnh thì bốn mùa anh em phải nằm ổ cỏ tranh hoặc lá chuối khô, mùa đông thì rét. Có những ngày rét tuyết phủ trên lá cây, nước để ở bát còn đông lại thành băng, rét thấu xương tím da, ngoài trời gió từ Bù Cho thổi sang rít từng cơn, sinh hoạt ở trên đỉnh núi vô cùng khó khăn, đi lấy nước phải mất 1 giờ mới lấy được 20 lít nước hứng từ khe đá thấm ra. Những ngày nắng nhiều, trời không mù, không có sương thì khe đá cũng không có nước, lấy được 20 lít nước về cũng chỉ đủ nấu nướng ăn uống cho một tiểu đội, nước vo gạo xong thì để rửa rau và rửa bát; không có nước rửa mặt. Cơm nấu đâu có dễ chín, nồi cơm được đốt bên trên, đun bên dưới, thế mà hạt gạo vẫn xậm xật chỉ chín được một phần. Vận chuyển thực phẩm từ ngoài Trạm 1 vào phải mất 2 hoặc 3 ngày mới lên được đỉnh vì một ngày vào Trạm 2, ngày sau chuyển lên lán giữa rồi từ đỉnh xuống lán giữa đưa lên, cho nên rau tươi xanh đến đâu, lên được đến đỉnh cũng chỉ còn lại cái cọng vàng úa. Cho nên ở trên đỉnh anh em luôn chung sống với canh bí đỏ, canh lá bứa nấu với đầu cá khô, ăn nhiều, ăn mãi những thứ đó cũng không ít anh em bị bệnh kiết lỵ. Mùa mưa có thời kỳ mưa rả rích hàng tuần lễ làm cho đường đi lại vận chuyển vô cùng khó khăn, bẩn thỉu, ẩm thấp, dốc trơn, mà anh em vẫn phải lo những công việc thường nhật, vận chuyển xăng dầu, lương thực, thực phẩm, khí tài; những ngày mưa dầm là những ngày anh em ta mất nhiều máu nhất. Trên đường anh em lính đi là hàng đàn vắt xanh, trực sẵn trên lá cây, đầu ngọ nguậy bám vào người rồi chui vào nách, vào chỗ kín để hút máu! Dưới đất thì những đàn vắt đất lẫn trong lá khô, bám vào giày vào kẽ chân lính ta để hút máu! Phải nói không hôm nào lính ta đi vận chuyển mà về không bị mất máu. Những trận mưa nguồn thật khủng khiếp, nước sông Chu, sông Khao dâng cao có lúc hàng tuần không qua lại được, anh em ở trong Trạm 2 phải ăn rau tàu bay, rau môn thục, rau chua hàng tuần. Mỗi lần đi vận chuyển trên lưng mỗi người từ 20-30kg nào là xăng dầu, lương thực, thực phẩm, vũ khí, khí tài đựng trong những chiếc gùi. Lưng gù xuống, tay phải cầm gậy, tay trái nắm vào đầu gối, đầu nhô về phía trước, chậm chạp chống gậy mà bước lên từng bậc. Cứ đi vài bước lại đứng lại nghỉ, cứ thế mà leo, người đi trước dừng lại, người đi sau không để ý là sẽ đụng vào người đi trước. Vận chuyển nặng nhất vẫn là máy phát điện nặng đến 80kg mà không thể khiêng được khi ở rừng và leo dốc, buộc anh em 4 người phải bê bằng tay nâng lên từng bậc dốc, cứ mỗi lần anh em vượt qua được một cái dốc là mồm và mũi thi nhau thở. Còn những trận mưa đầu mùa thì trời như trút nước, sấm chớp ầm ầm làm suối phải đổi dòng, sườn núi thì sạt lở, cây cối đổ ngổn ngang chắn đường. Có 1 đến 2 lần sét đánh vào hầm máy trên đỉnh núi làm đồng chí Bùi Thiên Ngồng bị ngất, nước sông Chu thì chảy xiết như gào thét, suối trên nguồn đổ xuống cuốn hết gà, lợn, xăng dầu. Nhà bếp Trạm 2, đi lại vận chuyển qua sông Chu thật là vất vả, dòng sông chảy xiết, lại có nhiều bậc thang nên chỉ sơ sểnh là chiếc mảng lao ngay xuống thác, đã có 2, 3 lần có những anh em bị trôi xuống thác làm mất cả lương thực. Năm 1968 có một lần đồng chí Minh đưa mảng qua sông, đã bị lao xuống thác, chiếc mảng đập vào đá ngầm và đồng chí Minh đã hy sinh.

Người lính thông tin tiếp sức càng lên cao thì cánh sóng càng bay xa, mà càng lên cao thì luôn đồng hành với khó khăn gian khổ, buộc người lính thông tin tiếp sức phải sống chung với dốc cao, rét mướt, mưa ngàn, rừng sâu, suối thẳm.

Có lần đồng chí Lê Cư - Chính ủy Bộ Tư lệnh vào thăm X73, đồng chí đã lên đỉnh ngủ lại với anh em một đêm. Đồng chí Chính ủy căn dặn anh em trực trên đỉnh, ở đây gian khổ anh em trực phục vụ chiến đấu, nhưng phải giữ gìn sức khoẻ, gió rét thế này đêm hạn chế ra ngoài. Gian khổ khó khăn là thế, nhưng ai cũng xác định nhiệm vụ của mình không phàn nàn, không ai né tránh nhiệm vụ và có nhiều đồng chí trưởng thành từ X73 Bù Cho, lớp này lớp khác lại được bổ sung vào. Anh em thay nhau phát huy truyền thống của Đại đội 22 "Ba nhất", góp phần xây dựng Tiểu đoàn 4 thông tin tiếp sức anh hùng.

Khi chiến tranh đã khép lại, những người lính thông tin tiếp sức đã lần lượt rời quân ngũ, chỉ còn một số đồng chí ở lại đơn vị, còn đại đa số trở về quê hương, mỗi người có một cương vị, cuộc sống riêng tư khác nhưng những người lính thông tin tiếp sức lại có một điểm là luôn luôn nhớ tới nhau và ước mong có ngày gặp lại.

Nguyện vọng đó cũng đã được đáp ứng và từ năm 1995 Ban liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn 4 đã đáp ứng được điều đó. Gặp lại nhau tay bắt mặt mừng sau 30-40 năm xa cách gặp lại, nhiều người không nhận ra nhau vì thời gian đã làm cho anh em khác đi quá nhiều, những người trẻ trung, mười tám đôi mươi ngày nào, nay đã già đi thay đổi quá nhiều đã lên ông, lên cụ. Răng có ông đã rụng, mắt đã mờ, tóc đã bạc phơ. Thời gian trôi qua nhưng làm cho tình cảm của người lính thông tin tiếp sức năm xưa càng sâu đậm gắn bó hơn, càng nhớ cái ngày xưa của một thời. Trận mạc đã lùi xa mấy chục năm rồi mà người lính thông tin tiếp sức tưởng như mới ngày hôm qua, cái tuổi mười tám đôi mươi ấy - tuổi tràn đầy nhựa sống và nhiệt huyết của tuổi trẻ đã bỏ lại phía sau mình, tình yêu thương của gia đình, làng xóm, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc để hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc.

Chuyện về người lính thông tin tiếp sức đầy gian khổ khó khăn năm xưa, nay đã in sâu trong ký ức mỗi người và ai cũng rất vinh dự tự hào được làm người lính thông tin tiếp sức anh hùng.

Trong cuộc đời của mỗi người ai cũng có một thời để nhớ, đối với tôi và người lính thông tin tiếp sức đó là thời kỳ trên cao điểm Bù Cho ở miền Tây Thanh Hoá thân yêu.

Ngày 15-10-2007

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”)

0 comments:

Đăng nhận xét