23.1.25

Vài điều nhớ lại Khoa Thông tin ở Trường Sĩ quan Lục quân (1958-1965)

Nguyễn Viết Quyền - nguyên giáo viên hữu tuyến điện

Trường Thông tin ở Đa Phúc giải thể.

Một số lớn cán bộ, giáo viên, công nhân viên kỹ thuật chuyển về Khoa Thông tin và Tiểu đoàn 5 của Trường Sĩ quan Lục quân công tác vào khoảng tháng 9 năm 1958. Nhà trường nhận nhiệm vụ "đào tạo trung đội trưởng thông tin dài hạn 3 năm và bổ túc cán bộ sơ cấp, trung cấp thông tin 1 năm". Các lớp đào tạo trung đội trưởng khóa 11 (1958-1960) và khóa 12 (1959-1961) là những lớp đào tạo chính quy đầu tiên của chúng tôi ở Trường Sĩ quan Lục quân. Học viên những khóa này hầu hết là những hạ sĩ quan, chiến sĩ thông tin quân tình nguyện (nhập ngũ trước năm 1954) ít nhiều trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, được bồi dưỡng toán - lý - hóa hết cấp 3. Đó là những lớp học viên có kỷ luật tự giác, tinh thần ham học, ý thức tập thể cao. Công tác huấn luyện toàn diện về kỹ thuật bộ binh theo chế độ chính quy cộng với huấn luyện về kỹ thuật nghiệp vụ và tổ chức thông tin liên lạc cấp tiểu đoàn đã rèn luyện các lớp học viên này trở thành những sĩ quan thông tin vừa giỏi về kỹ thuật nghiệp vụ vừa giỏi về tổ chức chỉ huy. Ra trường một thời gian ngắn họ đã trở thành những cán bộ phân đội thông tin đáng tin cậy trong toàn quân. Giáo viên chúng tôi đã trưởng thành nhanh chóng sau những khóa huấn luyện này. Bám theo trung đội trưởng thông tin trong diễn tập tiểu đoàn bộ binh của Nhà trường, chúng tôi đã nhận được yêu cầu của đối tượng đào tạo: Trung đội trưởng thông tin phải thành thạo vận động trên chiến trường dưới hỏa lực địch, phải giỏi kỹ thuật nghiệp vụ hữu tuyến, vô tuyến để nhanh chóng xử lý mọi tình huống khó khăn về thông tin liên lạc, đồng thời phải vững vàng về tổ chức chỉ huy các phân đội thông tin chuyển đạt, đường dây điện thoại cũng như vô tuyến điện để bảo đảm cho tiểu đoàn trưởng chỉ huy chiến đấu. Thời bấy giờ trung đội trưởng vô tuyến điện là một đối tượng đào tạo được thảo luận nhiều ở Khoa Thông tin. Trình độ thu phát điện báo moóc, nghiệp vụ liên lạc vô tuyến điện trên thực tế đài trạm không dễ dàng đạt được trình độ chiến sĩ giỏi theo yêu cầu đặt ra.

Những khóa huấn luyện theo tác phong chính quy ở Trường Sĩ quan Lục quân đã dạy cho giáo viên chúng tôi nền nếp công tác chuẩn bị và thực hành huấn luyện nghiêm chỉnh. Công tác chuẩn bị bắt đầu từ viết giáo án theo mẫu quy định. Muốn viết giáo án, trước hết phải nắm vững nội dung. Nội dung được chia ra từng phần, từng giai đoạn, từng điểm, từng ý. Mỗi phần, mỗi đoạn đều được phân phối thời gian thích hợp. Ứng với mỗi phần, mỗi đoạn đều ghi rõ vào cột phương pháp cách tiến hành huấn luyện: hoặc giảng giải, hoặc ví dụ, hoặc dẫn chứng, hoặc kết hợp mô hình học cụ, hoặc kiểm tra học viên... Tất cả đều được giáo viên chuẩn bị và thông qua tập thể bộ môn hoặc trưởng khoa, trưởng phòng. Trên cơ sở giáo án đã được thông qua, giáo viên bắt tay vào công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, học cụ, dây máy, thao trường và mô hình học cụ thật tỉ mỉ chu đáo để đến khi thực hành huấn luyện là yên tâm thực hiện kế hoạch.

Thời kỳ Khoa Thông tin ở Trường Sĩ quan Lục quân, Nhà trường được vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Trong phong trào thi đua "Dạy tốt học tốt" theo lời dạy của Bác, giáo viên Thông tin đã có nhiều bài giảng được đánh giá có chất lượng. Tổ giáo viên điện thoại đã được giao nhiệm vụ thực hiện một bài giảng mẫu giới thiệu với đoàn khách In-đô-nê-xi-a do tướng Xu-hác-tô dẫn đầu. Giáo viên đã trình bày lý thuyết kết hợp với mô hình (điện thoại điện chung) có hiển thị bằng đèn vừa dễ hiểu vừa hấp dẫn. Học viên Đại đội 20 (khóa 12) rất linh hoạt khi giáo viên kiểm tra nhanh ở lớp. Không khí lớp học thật sôi động. Chúng tôi còn nhớ lời cảm ơn của Tướng Xu-hac-tô lúc chia tay. Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, mô hình học cụ của Khoa Thông tin được xếp hạng cao và trình bày trong triển lãm ở Nhà trường và ở Sơn Tây. Một số giáo viên được khen thưởng "chụp ảnh trước quân kỳ". Để tạo điều kiện cho học viên có trình độ làm chủ khí tài được trang bị, cùng với Khoa Thông tin, tổ Điện thoại đã thành công trong việc dùng "tám bước thử" để kiểm tra máy điện thoại, có thể phát hiện hầu hết các hư hỏng thông thường trên mạch điện nguyên lý và cách khắc phục những hư hỏng đó trên chiến trường cũng như ở đơn vị. "Tám bước thử" đã được phổ biến rộng rãi trong toàn quân. Tổ chức luyện tập trên thao trường cũng theo nền nếp chính quy. Chúng tôi còn nhớ cố Trưởng khoa Hà Ngọc Oánh một lần đến kiểm tra buổi tập luyện thao tác sử dụng tổng đài 10 cửa ở bãi tập, đã hạ lệnh ngừng tập vì đội ngũ không thẳng hàng, động tác người tập không dứt khoát, người bình thiếu nghiêm túc. Giáo viên làm mẫu lại và buổi tập tiếp tục.

Những hình ảnh về huấn luyện chính quy ở Trường Sĩ quan Lục quân còn đậm nét trong giáo viên chúng tôi khi rời Nhà trường về công tác cùng Trường Sĩ quan Thông tin. Và trong suốt cuộc đời giáo viên thông tin chúng tôi luôn giữ gìn tác phong đáng yêu đó.

Tháng 9-2000

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”) 

0 comments:

Đăng nhận xét