Đào Kim Kính (kể), Văn Bảo, Đức Doanh (ghi)
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy
Tết Mậu Thân năm 1968, nhóm biên tập đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Đào Kim
Kính – nguyên trung đội trưởng - người đã chỉ huy trung đội vô tuyến điện tiếp
sức vượt vĩ tuyến 17 và phục vụ chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh.
Anh Kính tiếp chúng tôi trong căn nhà 2 tầng kiểu biệt
thự tại xã Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội. Sau những lời hỏi thăm ấm áp nghĩa tình đồng
chí, đồng đội, một thời sống chết có nhau, bên chén nước chè hương vị thơm
ngon, đồng chí Kính kể lại:
... Tháng 10 năm 1967, tôi đang công tác tại Trạm X73 Bù
Cho - Thanh Hoá được trên cho nghỉ phép 10 ngày để thu xếp công việc gia đình ở
hậu phương, chuẩn bị vào chiến trường B. Trong đầu tôi có biết bao sự việc cần
phải lo toan. Nhưng thời gian 10 ngày thì làm được bao công việc? Sau nhiều sự
cân nhắc, tôi quyết định một việc rất hệ trọng và chỉ một việc ấy thôi là tôi
yên tâm ra đi, đó là: Cưới vợ! Bởi bố mẹ đã già, các em còn nhỏ cần có người chăm
sóc gia đình để tôi công tác.
Lúc này cả nước đang có chiến tranh - miền Bắc sống trong
thời kỳ bao cấp rất khó khăn, thiếu thốn, nên việc cưới xin cũng dễ dàng, không
tốn kém chỉ cần chè nước, dăm cân bánh kẹo và mười tút thuốc lá thơm - Nhờ đoàn
thanh niên và hội phụ nữ đứng ra tổ chức là xong xuôi. Người yêu tôi là một cô
gái làng quê, nết na chăm làm, chịu thương, chịu khó. Hai chúng tôi quen biết
nhau từ thời đi học và hoạt động công tác đoàn thanh niên ở địa phương.
Sau mấy hôm chuẩn bị, hôn lễ được tổ chức đơn giản, nhưng
tôi rất vui và hạnh phúc! Ở nhà với vợ được 2 ngày, hết phép, tôi khoác ba lô
xa gia đình và người vợ trẻ mới cưới trở vào chiến trường - lòng dạ ngổn ngang,
bao điều trăn trở. Nhưng tôi tin vào người bạn đời của mình và yên tâm ra đi.
Vào tới đơn vị, tôi và đồng chí Thanh - trung đội phó, cùng 10 đồng chí nữa bắt tay vào chuẩn bị xe máy và công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật - tổ chức quán triệt nhiệm vụ, xây dựng quyết tâm cho toàn đơn vị. Tôi trực tiếp kiểm tra 2 chiếc xe Gát 63 lắp đặt máy vô tuyến điện tiếp sức và chiếc xe tải chất đầy vật tư kỹ thuật, hậu cần - mọi thứ đều đầy đủ. Máy móc, thiết bị vận hành tốt và được ngụy trang cẩn thận.
Ngày lên đường, chỉ huy đại đội động viên nhắc nhở mọi
người đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, vượt qua gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
được giao.
Đoàn xe bắt đầu rời khỏi khu rừng Thường Xuân, ra quốc
lộ 15, hướng về phía Nam. Hai hôm sau chúng tôi đã tới huyện Hương Khê, Hà
Tĩnh. Dừng chân tại đây, củng cố lực lượng và tổ chức cho bộ đội ăn Tết Nguyên
đán trước. Sau thời gian nghỉ ngơi, chúng tôi lại tiếp tục lên đường. 5 giờ
sáng hôm sau, xe chúng tôi đi qua phà Long Đại, 2 xe trước chạy trót lọt, xe của
tôi bị sa lầy, đổ nghiêng bên lề đường. Chúng tôi dùng đủ mọi cách để đưa xe trở
lại thế cân bằng. Nhưng vẫn chẳng nhúc nhích được tí nào. Tôi bắn 3 phát súng
chỉ thiên để báo hiệu, cũng chẳng thấy đồng chí Thanh quay lại cứu giúp. Cuối
cùng phải nhờ công binh dùng xe kéo, mới thoát ra được và tiếp tục đuổi theo 2
xe trước.
Khi qua Xê Băng Hiêng, Tà Khống, xe chúng tôi gặp nhiều
khó khăn, vì đèo dốc, qua suối, ngầm, đi theo đường dã chiến! Xe lại yếu, cao
lênh khênh rất dễ bị lật đổ. Trong khi xe của đơn vị bạn, toàn 3 cầu, 6 bánh.
Tuy chở nặng nhưng qua ngầm, leo dốc rất dễ dàng.
Vào một buổi sáng, chúng tôi qua đường 9, dừng lại ở một
cánh rừng toàn lau lách và những cây leo cao khỏi đầu người. Nhờ sự giúp đỡ của
binh trạm thuộc Đoàn 559, bộ đội được nghỉ ngơi, lấy lại sức. 17 giờ chiều xe
chúng tôi tiếp tục lên đường vào chân cao điểm 1700. Nhưng xe bị vướng mìn lá
chỉ xây xước ít, còn người và máy vẫn an toàn. Vừa tới chân núi, pháo của địch
bắn phá dữ dội, máy bay quần đảo, ném bom, bắn rốc két liên tục, chúng tôi phải
chuyển đến một cao điểm khác, gặp các đồng chí trinh sát của pháo binh ngăn lại
không cho lên điểm cao, vì thám báo địch đang lùng sục. Chúng tôi chuyển đến
cao điểm khác (ngoài dự kiến).
Rất may, khi thử máy theo các hướng liên lạc, của P401
và P105 đều cho chất lượng thông tin rất tốt (cũng xin nói thêm: Khi toàn trung
đội hành quân đến Làng Ho thì tách làm hai hướng! Một hướng do tôi chỉ huy, hướng
thứ hai do đồng chí Đinh Trọng Thanh - trung đội phó chỉ huy lên núi Động
Châu).
Tại cao điểm này, chúng tôi chia làm hai bộ phận: Trên
đỉnh núi chuyên trách bảo đảm thông tin và quan sát các động thái hoạt động của
địch. Dưới chân núi: bảo vệ, củng cố sửa chữa đường dây, điều khiển xa. Cung cấp
nguồn điện và bảo đảm hậu cần cho toàn trạm.
Rất may, bên cạnh chúng tôi có tiểu đoàn thông tin của
mặt trận và hậu cứ trung đoàn hậu cần của Tổng cục. Nhờ vậy, chúng tôi được sự
giúp đỡ về hậu cần, bảo đảm ổn định đời sống cho bộ đội và phối hợp chiến đấu
khi cần, để bảo vệ lẫn nhau. Ngoài ra anh em còn làm công tác dân vận, như cắt
tóc, tắm rửa cho các cháu nhỏ, đổi gạo, muối cho đồng bào lấy lợn, gà về chăn
nuôi, cải thiện đời sống cho bộ đội, nhất là các ngày lễ, tết.
Chiến dịch kéo dài suốt mấy tháng liền. Công tác bảo đảm
thông tin liên lạc phục vụ chiến đấu hết sức căng thẳng. Lại phải tổ chức phòng
tránh và đánh địch khi cần thiết. Địch luôn có lợi thế về không quân, liên tục
trinh sát, bắn phá, trực thăng sẵn sàng đổ quân xuống bất cứ nơi nào, để hỗ trợ
cho bộ binh phản kích, đánh chiếm lại các vị trí đã mất.
Có lần địch đổ quân xuống chân cao điểm của chúng tôi đang
chiếm giữ. Trước tình thế bị địch bao vây, tôi báo cáo với Phó Tư lệnh Binh chủng
Hoàng Xuân Vượng, đồng chí ra lệnh: Nếu tình huống xấu nhất thì hủy máy, hoặc
chôn cất và ngụy trang cẩn thận. Lợi dụng lúc địch sơ hở và đêm tối, cho bộ đội
rút khỏi cao điểm.
Nhận chỉ thị xong, tôi động viên mọi người quyết tâm bảo
vệ máy! Người chiến sĩ bộ binh, còn súng trên tay còn tiếp tục chiến đấu đến
hơi thở cuối cùng, quyết không đầu hàng, không để vũ khí lọt vào tay địch! Người
chiến sĩ thông tin còn hơi thở còn bảo vệ máy, quyết giữ vững liên lạc đến cùng
- không để máy móc tài liệu lọt vào tay địch.
Được lệnh của trạm ngừng liên lạc, tôi phân công anh em
nhanh chóng thu gom tài liệu, khí tài... cho vào ba lô, túi đựng (còn 2 bình ắc
quy chôn xuống đất) tất cả mọi người, vai đeo máy, súng AK và lựu đạn đeo trước
ngực. Tôi cầm địa bàn lấy hướng, cắt rừng, trèo đèo lội suối, thoát khỏi vòng
vây của địch về tới điểm dừng chân của Sở chỉ huy chiến dịch.
Riêng với đồng chí Tô Thê, đi lấy ăngten về nửa đường gặp
lính Mỹ, Thê đã nhanh trí lẩn trốn trong rừng và tìm đường về đơn vị. Còn đồng
chí Ninh bị lạc đường, tôi lập tức gọi điện lên cấp trên. Đồng chí Phó Tư lệnh
còn nhắc nhở: "Phải hết sức cảnh giác, đề phòng, nếu Ninh lọt vào tay địch
không chịu nổi sự tra tấn của địch, sẽ khai ra nơi đóng quân và nhiệm vụ của
đơn vị...".
Tôi bình tĩnh thưa lại: Đồng chí Ninh tiểu đội trưởng,
là một đảng viên tốt và rất kiên định. Sẽ không bao giờ đầu hàng địch - Có thể
đồng chí ấy bị thương hoặc hy sinh trong trận tập kích bằng không quân và pháo
binh của địch vừa qua.
5 giờ sáng hôm sau, thấy Ninh trở về, mặt mày hốc hác,
quần áo lấm lem và rách bươm. Cả đơn vị hết sức mừng rỡ, vây quanh Ninh thăm hỏi,
sờ nắn khắp người. Rất may là không bị vết thương nào.
Được lệnh của tôi, anh em rút về hậu cứ. Chúng tôi lại
triển khai thông tin trên một điểm mới. Tiếp tục bảo đảm thông tin cho chiến dịch
hơn một tháng nữa mới kết thúc. Phi pháo của địch vẫn thường xuyên đánh phá vào
các khu vực mà chúng nghi ngờ có lực lượng Quân giải phóng đang ẩn náu.
Cấp trên lại ra lệnh cho chúng tôi nhanh chóng rút khỏi
khu vực bị không quân và pháo binh địch uy hiếp, bảo đảm lực lượng. Tiến hành bảo
dưỡng, sửa chữa khí tài, đưa xe đi sửa chữa. Bộ đội được nghỉ ngơi, bồi dưỡng sức
khỏe, chuẩn bị cho một nhiệm vụ tiếp theo.
Vào một buổi sáng đẹp trời, cả cánh rừng rộn rã tiếng chim
kêu, vượn hót... Tôi nhận được điện ra ngoài Bắc đi học lớp sĩ sĩ quan chính trị
và cử một chiến sĩ xuất sắc nhất thay mặt đơn vị ra dự Đại hội Chiến sĩ thi đua
Binh chủng.
Tôi được cấp trên giữ lại (vì chưa có người thay thế).
Chúng tôi tổ chức bữa liên hoan, tiễn đồng chí Trần Quốc Lập ra Bắc dự Đại hội
Chiến sĩ thi đua.
Chưa đầy một tháng sau đã có người vào thay. Tôi được ra
Bắc đi học khóa đào tạo sĩ quan chỉ huy kỹ thuật thông tin (khi vào tới trường
thì khóa học đã khai giảng được một tháng).
Tổng kết chiến dịch, toàn Trung đội được tặng thưởng Huân
chương. Nhiều cá nhân cũng được tặng Huân chương và Bằng khen.
Bốn mươi năm đã trôi qua từ Tết Mậu Thân 1968. Thế hệ
của chúng tôi, hầu hết đã về đời thường. Mỗi người một địa phương và hoàn cảnh
khác nhau, ít có điều kiện gặp lại.
Nay ôn lại chuyện cũ, tôi bồi hồi xúc động, xin gửi tới
đồng đội cũ của tôi tình sâu nghĩa nặng của những con người đã một thời sống chết
có nhau trên tuyến đầu đánh Mỹ.
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”)
0 comments:
Đăng nhận xét